2021: Năm của du lịch không gian và những chuyến bay lên Sao Hỏa

Từ việc thử nghiệm máy bay trực thăng Ingenuity trên Sao Hỏa đến việc phóng kính viễn vọng James Webb vào không gian đã mở ra cơ hội khám phá những dấu tích về sự sống cổ đại trên vũ trụ.
Thiết bị bay Ingenuity thực hiện chuyến bay đầu tiên trên Sao Hỏa, ngày 19/4/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Năm 2021 là một năm đáng nhớ đối với nỗ lực chinh phục không gian của nhân loại.

Từ thành công trong việc thử nghiệm máy bay trực thăng Ingenuity trên Sao Hỏa đến việc phóng kính viễn vọng James Webb vào không gian, mở ra cơ hội khám phá những dấu tích về sự sống cổ đại trên vũ trụ.

Ngoài những dấu mốc quan trọng mà giới khoa học đạt được, hàng loạt những diễn biến nổi bật khác phải kể đến như cuộc chạy đua vào không gian của các tỷ phú công nghệ, chuyến bay của một phi hành đoàn không chuyên lên quỹ đạo hay chuyến thám hiểm không gian của tài tử gạo cội William Shatner - người cao tuổi nhất từ trước tới nay bay vào vũ trụ, qua đó mở ra ngành du lịch vũ trụ.

Dưới đây là những dấu mốc nổi bật nhất của lĩnh vực vũ trụ trong năm 2021, theo đánh giá của hãng tin AFP.

"Bộ đôi người máy" trên "Hành tinh Đỏ"

Tháng Hai, tàu thăm dò Perseverance của Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) đã có mặt tại Sao Hỏa sau "7 phút kinh hoàng" - quãng thời gian mà con tàu dựa vào hệ thống tự động để giảm độ cao và đáp xuống miệng núi lửa Jezero trên "Hành tinh Đỏ."

[Phát hiện lý thú về khả năng truyền âm thanh trên Sao Hỏa]

Sau khi hạ cánh, tàu thăm dò có kích cỡ bằng một chiếc ôtô - được đặt tên thân mật là Percy này - đã chụp ảnh và khoan lấy mẫu đất đá, nhằm thực hiện sứ mệnh “Tìm kiếm dấu tích của các vi sinh vật cổ đại trên sao Hỏa.”

Với các công cụ hiện đại, con tàu có khả năng làm vỡ các mảnh đá trên Sao Hỏa và phân tích thành phần hóa học trong hơi nước ở hành tinh này.

NASA đã lên kế hoạch thực hiện 2 sứ mệnh tiếp theo trong thập kỷ tới nhằm đưa các vật mẫu trên về Trái Đất.

Đồng hành cùng với Percy là Ingenuality - một chiếc trực thăng Sao Hỏa nặng 2kg.

Ingenuality đã thực hiện thành công chuyến bay đầu tiên trên một hành tinh khác vào tháng Tư, hơn một thế kỷ sau chuyến bay lịch sử của anh em nhà Wright.

Nhà thiên văn học Jonathan McDowall thuộc Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian cho biết chuyến bay của tàu thăm dò Perseverance là một sứ mệnh hàng đầu, nhằm thực hiện cuộc khám phá lâu dài về một trong những khu vực đáng chú ý trên Sao Hỏa.

Trong khi đó, trực thăng Ingenuality là một trong những phương tiện công nghệ thử nghiệm nhỏ gọn, chi phí thấp và hiệu quả của NASA.

Những khám phá mà Ingenuity mang lại có thể giúp các nhà khoa học phát triển máy bay không người lái Dragonfly, một thiết bị nặng hàng tấn được lên kế hoạch cho việc tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trên mặt trăng (vệ tinh) Titan của Sao Thổ vào giữa những năm 2030.

Bùng nổ những chuyến bay vào vũ trụ của các công ty tư nhân

Tháng Bảy vừa qua, tỷ phú Richard Branson - nhà sáng lập công ty du hành vũ trụ Virgin Galactic - đã vượt qua tỷ phú Jeff Bezos của Blue Origin, để trở thành phi hành gia không chuyên đầu tiên hoàn thành chuyến bay tới rìa vũ trụ.

Sau chuyến bay trên vài ngày, công ty Blue Origin lại bứt phá với 3 chuyến bay thương mại mà khách hàng là những người nổi tiếng.

Công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk cũng đã tham gia vào cuộc cạnh tranh này hồi tháng 9 vừa qua, với sứ mệnh bay vào quỹ đạo Trái Đất kéo dài 3 ngày có sự tham gia của một phi hành đoàn dân sự mang tên Inspiration 4.

Nhà phân tích ngành vũ trụ Laura Seward Forczyk - tác giả cuốn sách sắp xuất bản “Trở thành người ngoài thế giới” - bày tỏ thán phục khi cho rằng "sau nhiều năm, rốt cuộc điều này cũng đã diễn ra."

Chia sẻ về trải nghiệm của mình, tài tử gạo cội William Shatner - người nổi tiếng với vai chính trong loạt phim truyền hình "Star Trek" - cho rằng những gì các bạn đang quan sát chính là "Mẹ Trái Đất" mà chúng ta cần phải bảo vệ.

Tỷ phú Richard Branson (trái) cùng các hành khách khác ăn mừng sau khi kết thúc chuyến bay tới rìa vũ trụ, tại căn cứ ở bang New Mexico, Mỹ ngày 11/7/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Năm nay, một đoàn làm phim của Nga đã quay những thước phim đầu tiên của thế giới được thực hiện trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS), trong khi những du khách Nhật Bản cũng tiến hành chuyến thăm ISS với tên lửa đẩy của Nga.

Tính đến nay, đã có 20 phi hành gia không chuyên bay vào vũ trụ trong năm 2021, trong các chuyến du hành do các công ty Blue Origin (của tỷ phú Jeff Bezos), SpaceX (của tỷ phú Elon Musk) và Virgin Galactic (của tỷ phú Richard Branson) thực hiện.

Toàn cầu hóa không gian

Hiện nay, cùng với sự bùng nổ của ngành công nghiệp vũ trụ, các nước ngày càng phóng nhiều vệ tinh lên không gian, trong khi đó Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác đang ngày càng linh hoạt hóa cơ chế bay lên vũ trụ.

Hồi tháng Tư, Trung Quốc đã phóng Trạm vũ trụ Thiên Cung (Tiangong) - trạm không gian đầu tiên của nước này.

Một tháng sau đó, tàu thám hiểm Sao Hỏa đầu tiên mang tên Chúc Dung đã đáp xuống Hành tinh Đỏ, đưa Trung Quốc trở thành nước thứ hai thực hiện thành công sứ mệnh này (sau Mỹ).

Nhà thiên văn học Jonathan McDowall cho rằng Trung Quốc đã chuyển sang giai đoạn theo kịp các nước khác về khám phá không gian sau 20 năm đẩy mạnh đầu tư cho lĩnh vực này. Hiện nước này đang bắt đầu thực hiện những nghiên cứu mà Mỹ chưa từng làm.

Tháng Hai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đã phóng một tàu thăm dò vào quỹ đạo Sao Hỏa, trở thành nước thứ 5 trên thế giới, đồng thời là quốc gia Arab đầu tiên khám phá hành tinh này.

Nga cũng đã thử nghiệm thành công tên lửa chống vệ tinh vào tháng 11 vừa qua.

Trong khi đó, Washington phản đối động thái này vì cho rằng vụ thử đã tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ quỹ đạo lớn, đe dọa đe dọa nhiều vệ tinh và thiết bị ngoài không gian, trong đó có ISS.

Tiếp tục vươn xa hơn

Năm 2021 khép lại với thành công trong việc đưa kính viễn vọng James Webb vào không gian. “Kỳ quan” trị giá 10 tỷ USD này sẽ sử dụng sóng hồng ngoại để khám phá bí ẩn không gian 13 tỷ năm về trước.

Ông Casey Dreier - một nhà phân tích của tổ chức The Planetary Society đánh giá đây là một sản phẩm khoa học đơn lẻ đắt giá nhất từ trước đến nay. Việc tạo ra phương tiện này giúp tìm hiểu về quá khứ của vũ trụ - vấn đề đang nằm ngoài ranh giới hiểu biết của con người.

Hiện kính viễn vọng James Webb đang thực hiện hành trình kéo dài 29 ngày tới điểm ổn định trong không gian có tên là Lagrange Point 2 hay L2, cách Trái Đất gần 1,6 triệu km, tiếp đó sẽ dần khởi động, hiệu chỉnh hệ thống quan sát và kết nối trực tuyến vào khoảng tháng 6/2022.

Nhằm thực hiện sứ mệnh Artemis 1 của NASA vào năm tới, tên lửa Hệ thống phóng không gian (SLS) sẽ đưa tàu vũ trụ Orion lên quỹ đạo Mặt Trăng và trở lại Trái Đất nhằm chuẩn bị cho sứ mệnh tiếp theo của Mỹ là đưa con người trở lại Mặt Trăng vào cuối thập kỷ này.

NASA đang có kế hoạch xây dựng môi trường sống trên Mặt Trăng và sử dụng thử nghiệm này để phục vụ các sứ mệnh tiếp theo lên Sao Hỏa trong thập niên 30 của thế kỷ 21.

Các nhà quan sát có thêm động lực sau khi chương trình do cựu Tổng thống Donald Trump khởi xướng sẽ được tiếp tục thực hiện dưới thời của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Trong khi đó, tàu thăm dò Thử nghiệm Chuyển hướng Tiểu hành tinh Kép (DART) của NASA cũng sẽ thực hiện nhiệm vụ lao vào một tiểu hành tinh theo lịch trình dự kiến từ ngày 26/9-1/10/2022.

Đây là một trong những thử nghiệm nhằm ngăn chặn nguy cơ một thiên thể khổng lồ trong không gian có thể xóa sạch sự sống trên Trái Đất trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục