25 năm Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh -Những tài sản vô giá

25 năm qua, Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh đều đặn giới thiệu những tựa sách mới, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cơ sở cho việc học và làm theo Bác.
Ban tổ chức tri ân những đóng góp của các tác giả đối với Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Ngày 18/5, tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1), Nhà xuất bản Trẻ tổ chức kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh.

Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2024).

Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh của Nhà xuất bản Trẻ ra đời năm 1999 nhằm hưởng ứng cuộc vận động “30 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ.” Đến nay, tủ sách đã xuất bản được hơn 60 tựa sách.

Ban đầu, tủ sách gồm các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh như "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh;" "Thực hành tiết kiệm và chống tham ô lãng phí, chống bệnh quan liêu;" "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân;" "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch;" "Bản án chế độ thực dân Pháp..." cùng những tác phẩm được viết độc quyền cho Nhà xuất bản Trẻ như "Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh," "Chúng tôi học làm ngoại giao với Bác Hồ," "Hỏi và đáp về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh" của Bảo tàng Hồ Chí Minh-chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh; "Bác Hồ thời niên thiếu ở Huế" của Nguyễn Đắc Xuân "Bác Hồ kể chuyện Tây Du Ký" của Trần Văn Giang…

Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh được trưng bày tại đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Trong suốt quá trình phát triển, Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh đều đặn giới thiệu những tựa sách mới, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về tư tưởng Hồ Chí Minh, làm cơ sở cho việc học và làm theo Bác.

Tiến sỹ Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, người sáng lập Tủ sách cho biết qua 25 năm, Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục được duy trì và phát triển.

Tủ sách chứa đựng vốn tài sản vô giá về Bác Hồ cùng những tác phẩm được viết bằng những tình cảm của mọi người dành cho Bác.

Những cuốn sách của Bác rất đơn giản, dễ đọc. Mỗi tựa sách của bộ sách có độ dày trung bình khoảng 200 trang, có hình minh họa, được chia thành các bài viết ngắn gọn theo chủ đề nên dễ đọc, giá bìa vừa sức.

Trong đó, các tựa sách cho học sinh, sinh viên thường viết dưới dạng câu chuyện, sinh động và dễ tiếp thu, gồm các tựa như "Học sinh kể chuyện Bác Hồ," "Trẻ em như búp trên cành," "Thư gửi thanh niên," "52 câu chuyện dưới cờ về Chủ tịch Hồ Chí Minh…"

Các cuốn sách còn có tính hệ thống, không rời rạc và được quảng bá gắn liền với các thời điểm đặc biệt như kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc của Bác, 100 năm Ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước…

“Với cách làm sáng tạo, quan tâm đến đối tượng người đọc như vậy cùng với di sản của Bác, tôi mong rằng chương trình sách này sẽ được duy trì mãi,” bà Quách Thu Nguyệt chia sẻ.

Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh, sinh viên. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Ông Nguyễn Minh Hải, tác giả cuốn sách “Học Bác lòng ta trong sáng hơn” (nằm trong Tủ sách Di sản của Hồ Chí Minh) cho biết để viết sách về Bác rất khó vì đã có nhiều người, nhiều cuốn sách khai thác chất liệu này để viết trước đó. Do đó, khi viết sách, ông đã chọn lọc, tìm hiểu những vấn đề có thể thông tin đến bạn đọc, tìm ra được những góc riêng, những câu chuyện vừa phải, dễ đọc, dễ thấm hướng đến đối tượng trẻ thời nay.

Theo ông Nguyễn Minh Hải, thông qua những cuốn sách, có rất nhiều điều để học về Bác Hồ; trong đó có những câu chuyện về lý tưởng, đạo đức chính trị hay những vấn đề gần gũi, đời thường như đạo đức người ăn cơm, đạo đức tiết kiệm…

Dịp này, Nhà xuất bản Trẻ tổ chức Triển lãm hình ảnh kết hợp mô hình không gian văn hóa Hồ Chí Minh về Tủ sách Di sản Hồ Chí Minh tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1). Triển lãm diễn ra đến ngày 19/5/2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục