30.000 gói thầu được thực hiện trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia

Giai đoạn 2016-2018, tổng số gói thầu đấu thầu qua mạng đạt 30.527 gói với tổng giá gói thầu là 61.872 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 57.266 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 7,44 %.
Nhập lệnh đấu thầu. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sau 3 năm triển khai chính thức, đấu thầu qua mạng đã đạt được một số kết quả, từng bước khẳng định vai trò trong đảm bảo các tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Đây cũng là công cụ hữu hiệu trong việc phòng, chống tham nhũng, đẩy lùi vi phạm, tiêu cực trong đấu thầu.

Giai đoạn 2016-2018, tổng số gói thầu đấu thầu qua mạng đạt 30.527 gói với tổng giá gói thầu là 61.872 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 57.266 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 7,44 %.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số hạn chế trong hoạt động đấu thầu qua mạng. Đó là tỷ lệ đấu thầu qua mạng không đạt chỉ tiêu theo lộ trình quy định.

Tính cạnh tranh, hiệu quả kinh tế của đấu thầu qua mạng chưa được khai thác tối đa. Tổng giá trị gói thầu đấu thầu qua mạng chiếm tỷ trọng chưa cao. Giá trị pháp lý của văn bản điện tử giao dịch trên hệ thống chưa được các bên liên quan nhận thức và công nhận đầy đủ.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động đấu thầu qua mạng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 4 nhóm giải pháp.

Theo đó, bộ sẽ xây dựng lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2019-2025 trên cơ sở tính chất gói thầu; tăng cường kiểm tra, giám sát gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị; đẩy mạnh truyền thông, đào tạo về đấu thầu qua mạng và xây dựng hệ thống tổng thể theo mô hình đối tác công tư (PPP).

[Đã có gần 9.000 gói thầu đăng ký qua mạng trong bảy tháng qua]

Cục Quản lý Đầu thầu cũng cho biết, do hệ thống hiện tại sẽ tiếp tục được sử dụng đến năm 2021 trước khi được thay thế bằng hệ thống tổng thể theo hình thức PPP với kỳ vọng nhiều tính năng, đáp ứng được các gói thầu phức tạp, quy mô lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chia lộ trình đấu thầu qua mạng theo giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 2019-2021, đối với bộ, ngành, địa phương, tổng công ty nhà nước, tập đoàn nhà nước thực hiện đấu thầu qua mạng 100% các gói thầu có hình thức lựa chọn nhà thầu là chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi; trong đó, đối với các gói thầu thuộc lĩnh vực hàng hóa, phi tư vấn, tư vấn, năm 2019, áp dụng với gói thầu ≤ 2 tỷ đồng; năm 2020, áp dụng với với thầu ≤ 5 tỷ đồng; năm 2021, áp dụng với gói thầu ≤ 10 tỷ đồng.

Đối với các gói thầu thuộc lĩnh vực xây lắp, năm 2019, áp dụng với gói thầu ≤ 5 tỷ đồng; năm 2020, áp dụng với gói thầu ≤ 10 tỷ đồng; năm 2021, áp dụng với gói thầu ≤ 20 tỷ đồng; đồng thời, khuyến khích áp dụng đấu thầu qua mạng đối với những gói thầu ngoài phạm vi nêu trên.

Quy định về tỷ lệ số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng, năm 2019 là 50%, năm 2020 là 60% và 2021 là 70%. Về tỷ lệ tổng giá trị gói thầu đấu thầu qua mạng năm 2019 là 15%, năm 2020 là 25% và năm 2021 là 35%.

Giai đoạn 2022-2025, trên cơ sở kết quả triển khai thời kỳ 2019-2021 và tình hình thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành quy định về lộ trình cho giai đoạn 2019-2025.

Theo đó, lộ trình sẽ theo hướng tăng tỷ lệ về số lượng và giá trị gói thầu đấu thầu qua mạng, phù hợp với tính năng của hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tổng thể theo hình thức PPP đảm bảo đạt được mục tiêu theo quy định tại Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016-2025.

Mục tiêu theo Quyết định này sẽ là đảm bảo 100% các thông tin trong quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng được đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; tối thiểu 70% số lượng gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu thực hiện trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; 100% hoạt động mua sắm thường xuyên và mua sắp tập trung được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục