6 quốc gia châu Phi có thể "xóa sổ" bệnh sốt rét vào năm 2020

21 quốc gia có thể đạt mục tiêu xóa sổ bệnh sốt rét, đặc biệt là 6 quốc gia châu Phi - nơi căn bệnh này từng hoành hành mạnh nhất, gồm Algeria, Botswana, Cape Verde, Comoros, Nam Phi và Swaziland.
Ảnh minh họa. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Nhân Ngày Sốt rét thế giới (25/4), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo cho thấy 21 quốc gia có thể đạt mục tiêu "xóa sổ" bệnh sốt rét vào năm 2020, đặc biệt là 6 quốc gia châu Phi - nơi căn bệnh này từng hoành hành mạnh nhất, gồm Algeria, Botswana, Cape Verde, Comoros, Nam Phi và Swaziland.

Nếu việc xóa bỏ hoàn toàn bệnh sốt rét tại ít nhất 10 quốc gia vào cuối thập kỷ này là một trong số các mục tiêu trong chương trình phòng chống sốt rét giai đoạn 2016-2030 của WHO, thì tại Nam Phi, việc xóa sổ căn bệnh này hiện trở thành một mục tiêu y tế công cộng.

Hồi năm 2000, nước này ghi nhận 64.000 ca bệnh sốt rét, nhưng tới năm 2014 chỉ còn khoảng 11.700 trường hợp với hầu hết các ca được chẩn đoán nhiễm bệnh đến từ các vùng tiếp giáp Swaziland, Zimbabwe và Mozambique.

Báo cáo của WHO bày tỏ tin tưởng rằng thông qua hành động có mục tiêu cụ thể kết hợp với việc hợp tác xuyên biên giới, Nam Phi nhiều khả năng sẽ đẩy lùi hoàn toàn bệnh sốt rét vào năm 2020.

Bên cạnh Nam Phi và 5 quốc gia châu Phi nói trên, báo cáo của WHO cũng liệt kê các quốc gia có triển vọng đạt mục tiêu này, gồm Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, 8 quốc gia Mỹ Latinh (Costa Rica, Belize, El Salvador, Mexico, Argentina, Paraguay, Ecuador và Suriname), Saudi Arabia, Iran, Oman, Sri Lanka, Bhutan, Đông Timor và Nepal.

Trước đó, một báo cáo khác do WHO công bố hồi đầu tháng này cho thấy năm 2015, châu Âu, Trung Á và khu vực Caucasus đã xóa sổ hoàn toàn bệnh sốt rét.

9/10 người mắc sốt rét trong năm ngoái chủ yếu đến từ khu vực Nam sa mạc Sahara ở châu Phi.

Cũng theo báo cáo này, hồi năm 2014 có khoảng 214 triệu người trên thế giới mắc sốt rét và 438 ca trong số đó đã tử vong.

Sốt rét là một chứng bệnh do ký sinh trùng sốt rét Plasmodium gây nên. Bệnh do muỗi Anophen truyền từ người bệnh sang người lành.

Biểu hiện của bệnh có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng tùy thuộc vào nhiều yếu tố như loại ký sinh trùng mắc phải, tình trạng miễn nhiễm của cơ thể người bệnh hoặc cơ địa của người đó (thai nghén, suy dinh dưỡng…).

Biểu hiện của bệnh gồm đau đầu, sốt, run, đau khớp, thiếu máu tán huyết, vàng da, tổn thương võng mạc và nguy hiểm hơn có thể khiến người bệnh bị co giật hoặc hôn mê./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục