Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển Thủ đô, Hà Nội cần có những xung lực mới nhằm hiện thực hóa "khát vọng hóa rồng."
Nghị quyết Đại hội XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố nhanh chóng được triển khai sâu rộng với 5 định hướng lớn, 3 khâu đột phá, 14 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025.
Kim chỉ nam cho sự phát triển
Kỳ vọng và tin tưởng vào sự phát triển của Thủ đô, tại Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội tháng 10/2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu lời căn dặn của Bác Hồ rằng: Đảng bộ Hà Nội phải làm gương cho các Đảng bộ khác, cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải cố gắng làm sao cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong Đảng bộ và nhân dân Hà Nội hãy thấm nhuần sâu sắc điều đó, làm cho bằng được điều đó, đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ và mong muốn của Tổng Bí thư, cũng tại Đại hội lần thứ XVII, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định tầm nhìn dài hạn cho Thủ đô trong khoảng 25 năm tới.
[Xây dựng các đô thị vệ tinh của Hà Nội phát triển xứng tầm]
Đó là đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh, bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa; GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.
Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh-thông minh-hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.
Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Hà Nội tập trung triển khai hiệu quả ba khâu đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc, cảnh quan đặc sắc, mang đậm nét đặc trưng của Thủ đô; tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô; phát triển mạnh hạ tầng số, công nghệ thông tin, dữ liệu... kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Thành phố tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đề xuất với Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô nhằm tạo khung pháp lý để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.
Hà Nội tiếp tục quan tâm phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch...
Thành phố xây dựng, phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội.
Ngoài ra, Hà Nội quan tâm đến việc khai thác, phát huy tối đa tài nguyên, chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống; đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô bền vững.
Hiện thực "khát vọng hóa rồng"
Hơn bao giờ hết, Hà Nội luôn mang "khát vọng hóa rồng" với dáng vóc của một Thủ đô giàu đẹp, văn minh, ngang tầm khu vực.
Sau 2 năm triển khai Nghị quyết Đại hội XVII một cách chủ động, bài bản, nghiêm túc, sáng tạo, bức tranh kinh tế-xã hội Thủ đô đã khởi sắc, diện mạo đô thị xanh, sạch, đẹp hơn. Hà Nội đang trở thành thành phố đáng sống. Từ hiện tại nhìn về quá khứ có thể thấy rõ, càng trong hoàn cảnh khó khăn, Hà Nội càng phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, ý chí quật cường được hun đúc từ lịch sử. Đây chính là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ giúp Hà Nội không chùn bước trước mọi khó khăn, cho dù chưa có tiền lệ như đại dịch COVID-19.
Minh chứng là mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 và bối cảnh quốc tế có nhiều bất ổn, nhưng kinh tế Thủ đô vẫn giữ được sự ổn định, tăng trưởng cao.
Cụ thể, Hà Nội có tăng trưởng GRDP trong 9 tháng năm 2022 đạt 9,69%. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 8,6%; khu vực dịch vụ phục hồi tích cực, cung ứng hàng hóa ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,3%
Thành phố đang tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để xây dựng Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội, phấn đấu hoàn thành trước năm 2027 theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô được kỳ vọng tạo không gian phát triển mới mang tính chiến lược, giải quyết một số tồn tại hiện nay của Thủ đô; khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.
Việc triển khai dự án quan trọng này chính là hiện thực hóa quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, thành phố đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án đầu tư, xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 của 5 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức và Thanh Trì. Công tác cải cách hành chính được nâng cao, đồng bộ giữa cải cách thủ tục và cải cách bộ máy, thể chế. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của Hà Nội (Chỉ số PAPI) có sự cải thiện nhanh (tăng 39 bậc so với năm trước); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (Chỉ số SIPAS) tăng 3 bậc.
Thành phố chú trọng công tác quy hoạch, chỉnh trang đô thị. Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển. An sinh xã hội được quan tâm, chăm lo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, công tác đối ngoại được đẩy mạnh. Nhiều vấn đề tồn đọng hoặc các vấn đề nóng, đột xuất phát sinh được tập trung chỉ đạo, xử lý, giải quyết phù hợp, hiệu quả. Các sự kiện chính trị lớn trên địa bàn được tổ chức thành công và tuyệt đối an toàn.
Đặc biệt, ngay sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045," cả hệ thống chính trị thành phố đã vào cuộc triển khai, sớm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống trong sự mong chờ của người dân về những đổi thay của Thủ đô.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh nghị quyết được ban hành đã nói lên sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của các cấp, ngành và mong muốn của nhân dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho rằng Nghị quyết số 15-NQ/TƯ thêm một lần nữa khẳng định: Phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại” là định hướng lớn, có tính xuyên suốt, nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước.”
Đây cũng là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Hà Nội với vai trò là Thủ đô, đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế của cả nước sẽ luôn phát huy được bản lĩnh, khí phách của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Với các giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm đã được thành phố xác định, cùng sự đồng lòng đoàn kết của cả hệ thống chính trị và người dân, Thủ đô sẽ có sức bật mới, tạo tiền đề quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính trị, phát triển kinh tế, xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo, góp phần xây dựng Hà Nội văn minh, giàu đẹp, xứng tầm là Thủ đô, trái tim của cả nước./.