Sáng 18/3, phiên giải trình của Chính phủ trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực thể thao thành tích cao” đã diễn ra tại Hà Nội.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi chủ trì phiên giải trình.
Phiên giải trình nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến hoạt động thể thao thành tích cao, qua đó đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật trong quản lý lĩnh vực này.
Nỗ lực cho công tác chuẩn bị ASIAD
Một trong những nội dung các đại biểu quan tâm trong phiên giải trình là các vấn đề liên quan tới công tác chuẩn bị cho ASIAD 18 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào năm 2019. Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đánh giá thời gian qua, thể thao Việt Nam đã có những nét khởi sắc. Dẫn chứng một loạt thành tích mà đoàn thể thao Việt Nam đã đạt được thời gian gần đây, Bộ trưởng cho rằng kết quả này có được do có sự kỹ lưỡng trong tuyển chọn, đào tạo vận động viên; cơ sở vật chất tương đối đảm bảo qua các kỳ tổ chức SEA Games, Indoorgames. Thực tế tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, việc đầu tư cho thể thao thành tích cao có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển thể thao của nước nhà.
Qua khảo sát, 80% cơ sở vật chất hiện có sẽ tham gia phục vụ ASIAD 18. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh trong 80% cơ sở vật chất này vẫn phải tiếp tục duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp đề phòng việc xuống cấp xảy ra do khí hậu nước ta và kinh nghiệm trong xây dựng các công trình chưa nhiều. Hiện nay, Hà Nội cùng các tỉnh, thành phố đã có kế hoạch nâng cấp các công trình thể thao.
Liên quan tới nội dung này, đại diện của Bộ Tài chính đánh giá Đề án đào tạo huấn luyện cho vận động viên phục vụ cho ASIAD do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng ước tính cần khoảng 984 tỷ đồng để thực hiện là khả thi và đảm bảo được nguồn tài chính thực hiện. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính cho rằng qua quá trình phối hợp khảo sát, về số lượng, đầu công trình hiện đạt được 80% nhưng để 80% công trình này phát huy được công năng cần đầu tư 2.600 tỷ đồng để nâng cấp sửa chữa, mở rộng và đầu tư mới trên 3.000 tỷ đồng.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị cần làm rõ hai nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị cho ASIAD đó là việc xây dựng làng vận động viên và xây dựng sân đua xe đạp lòng chảo. Theo đó, Đề án đưa ra cơ chế xã hội hóa, xây dựng làng vận động viên sau đó sẽ tổ chức bán. Bộ Tài chính cho rằng việc bán làng vận động viên là rất khó khăn bởi thị trường bất động sản hiện nay đang trầm lắng, hơn nữa công tác giải ngân để thực hiện kế hoạch này sẽ rất khó khăn. Đối với việc đầu tư sân đua xe lòng chảo, Bộ Tài chính kiến nghị cần tìm phương án khác thích hợp hơn với Việt Nam.
Chủ nhiệm Đào Trọng Thi đề nghị đẩy nhanh tiến độ xem xét phê duyệt Đề án tổng thể đăng cai tổ chức ASIAD 18 vào năm 2019. Việc đầu tư các công trình thể thao phục vụ ASIAD 18 phải có trọng tâm, trọng điểm, chủ yếu cải tạo nâng cấp những công trình hiện có đáp ứng yêu cầu thi đấu của Đại hội; chỉ xây dựng mới một số công trình thật sự cần thiết, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng triển khai các hoạt động cụ thể; có kế hoạch thông tin, quảng bá cho sự kiện này, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân. Các cơ quan liên quan cần khẩn trương triển khai thực hiện các công việc đảm bảo cho việc đăng cai, tổ chức ASIAD 18 thành công.
Nâng cao chất lượng huấn luyện viên và vận động viên
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết tính đến nay, cả nước có 2.572 huấn luyện viên, chủ yếu được đào tạo tại các Trường Đại học Thể dục thể thao. Nhìn chung so với yêu cầu, nhiệm vụ, hiện nay số lượng huấn luyện viên còn ít, trình độ chuyên môn hạn chế vì chủ yếu được đào tạo theo hình thức tại chức, do vậy, nhiều đội tuyển thể thao quốc gia phải sự dụng huấn luyện viên, chuyên gia người nước ngoài để trực tiếp huấn luyện vận động viên. Tại địa phương, tình trạng thiếu huấn luyện viên giỏi khá phổ biến. Một số địa phương phải thực hiện đào tạo vận động viên theo phương thức gửi đi tập huấn dài hạn ở các địa phương khác.
Nói về những giải pháp để nâng cao trình độ của huấn luyện viên thể dục thể thao, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết sẽ tập trung vào 4 nhóm giải pháp chủ yếu: chỉ tuyển các vận động viên vào các khoa đào tạo huấn luyện viên của các trường thể dục thể thao trừ những môn thể thao mới; lựa chọn và cử các vận động viên xuất sắc của các môn trọng điểm để học thể dục thể thao ở nước ngoài; quan tâm việc dạy ngoại ngữ cho huấn luyện viên và thường xuyên đào tạo đào tạo lại cho đội ngũ huấn luyện viên từ trung ương tới địa phương.
Giải trình về chất lượng, công tác chuẩn bị lực lượng thể thao thành tích cao, Bộ trưởng cho biết: bên cạnh các Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm huấn luyện tại Đà Nẵng, Cần Thơ, hiện có các trường năng khiếu, các trung tâm ở các tỉnh, thành. Hằng năm, các trung tâm huấn luyện khoảng 1.000 vận động viên thể thao thành tích cao. Cả nước có trên 17.000 vận động viên thể thao được đào tạo từ tuyến năng khiếu tập trung đến tuyến đội tuyển tỉnh, thành, ngành và trên 19.000 vận động viên các đội tuyển và tuyển trẻ quốc gia.
Hiện, đội ngũ vận động viên, huấn luyện viên được hưởng các chế độ, chính sách về chế độ dinh dưỡng đặc thù, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp một lần, bồi thường tại nạn theo các quy định tại các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chế độ, chính sách đối với vận động viên còn thấp, nhất là tiền công, chế độ dinh dưỡng.
Gắn thể thao thành tích cao với thể thao quần chúng
Xung quanh các giải pháp để nâng cao quản lý nhà nước về thể thao thành tích cao, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết Bộ đã tập trung triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển thể thao đến năm 2020 và Nghị quyết 16 của Chính phủ về chiến lược phát triển thể thao trong giai đoạn mới. Thủ tướng đã ban hành Chiến lược phát triển thể dục thể thao; quy hoạch về phát triển thể dục thể thao và quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất cho phát triển thể dục thể thao. Sắp tới, Bộ sẽ trình Chính phủ các nội dung đề xuất sửa đổi Luật Thể dục thể thao để Chính phủ trình Quốc hội xem xét; tiếp tục ban hành các văn bản quản lý nhà nước liên quan tới thể dục thể thao. Trên cơ sở Bộ Tài chính trình với Chính phủ ban hành các chế độ chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên, Bộ sẽ tăng cường chỉ đạo các địa phương phát triển thể thao thành tích cao…
Đề cập về các sai phạm hiện nay trong thể thao, đặc biệt là bộ môn bóng đá, Bộ trưởng thẳng thắn cho rằng thực trạng này do thiếu sót trong quản lý nhà nước và trách nhiệm của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Sắp tới, Bộ sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tư cách của các vận động viên, trọng tài và huấn luyện viên; áp dụng các biện pháp chế tài xử phạt nêu trong Nghị định 158; tổ chức các giải thi đấu bài bản hơn và thường xuyên rút kinh nghiệm; phối hợp với công an, các địa phương để quản lý tổ chức thi đấu...
Tại cuộc giải trình các bộ, ngành liên quan đã đề xuất những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng thể thao thành tích cao, nhấn mạnh tới việc thể thao thành tích cao phải được gắn liền với thể thao quần chúng, trong đó đó có thể thao trong trường học. Qua đó không chỉ giúp học sinh, người dân nâng cao ý thức rèn luyện, nâng cao sức khỏe mà còn là cơ hội để phát hiện, bồi dưỡng các nhân tài của thể thao nước nhà.
Kết luận phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi đề xuất Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục thể thao trong đó chú trọng các quy định về thể thao thành tích cao. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, chế độ phù hợp với đặc thù của ngành thể dục thể thao. Các chế độ chính sách đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao cần được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tế để thu hút những người có năng lực và tâm huyết cho ngành; nghiên cứu để cụ thể hóa chính sách xã hội hóa và đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong hoạt động thể thao thành tích cao.
Những bất cập của pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của các liên đoàn và câu lạc bộ thể thao, chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ, tài trợ cho các hoạt động thể dục thể thao; những quy định về đào tạo vận động viên, huấn luyện viên thành tích cao; hoạt động của các Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia cần được nghiên cứu sửa đổi bổ sung… Nhà nước cần tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các giải thi đấu khu vực và quốc tế; chú trọng công tác duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đối với các công trình thể thao./.