Afghanistan: Gần 100 phiến quân đầu hàng chính phủ

Trong hai ngày cuối tuần qua, có tổng cộng 99 tay súng phiến quân ở Afghanistan đã giao nộp vũ khí và đầu hàng chính phủ.

Trong hai ngày cuối tuần đã có tổng cộng 99 tay súng phiến quân ở Afghanistan giao nộp vũ khí và đầu hàng chính phủ.

Theo các nguồn tin tại chỗ, ngày 12/1, 80 tay súng ở tỉnh miền Bắc Baghlan đã tự nguyện ngừng chiến và giao nộp vũ khí cho chính phủ.

Trước đó một ngày, 19 tay súng ở tỉnh miền Tây Herat cũng đã có hành động tương tự.

Đánh giá về sự kiện này, tỉnh trưởng tỉnh Baghlan, ông Sultan Mohammad Abadi, cho rằng việc các tay súng phiến quân hạ vũ khí và tham gia vào tiến trình hòa giải do chính phủ khởi xướng sẽ góp phần mang lại an ninh và ổn định cho tỉnh.

Ông cũng bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều tay súng tiếp bước hành động này.

Cuối tháng 12/2013, khoảng 60 tay súng ở tỉnh miền Bắc Badakhshan cũng đã ra hàng chính phủ.

Chính phủ Afghanistan cho biết trong hơn một năm qua đã có hơn 4.000 tay súng Taliban từ bỏ vũ khí để tham gia vào tiến trình hòa bình. Tuy nhiên, lực lượng Taliban luôn bác bỏ số liệu này.

Ngày 12/1, Bộ Nội vụ Afghanistan ra tuyên bố cho biết các đơn vị cảnh sát đã tiêu diệt 3 phiến quân Taliban và bắt giữ hai tên khác trong chiến dịch truy quét kéo dài 24 giờ tại các tỉnh Baghlan, Laghman, Kunduz, Kandahar và Helmand.

Trong chiến dịch này, cảnh sát cũng đã thu giữ nhiều vũ khí, đạn dược và các thiết bị nổ. Trong chiến dịch trước đó một ngày ở quận Kailagi của tỉnh Baghlan, các lực lượng an ninh Afghanistan bắt giữ một chỉ huy Taliban có tên là Mullah Kabir và năm tên khác có liên quan đến vụ bắt cóc một quan chức chính phủ trên đường cao tốc Kunduz-Baghlan vài tháng trước.

Cùng ngày 12/1, một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra tại thủ đô Kabul làm ít nhất sáu nhân viên an ninh bị thương.

Kẻ đánh bom đã kích hoạt khối thuốc nổ cài trên xe đạp dựng cạnh một ôtô của cảnh sát ở khu vực Yakatot làm tên này chết ngay tại chỗ.

Đây là vụ đánh bom mới nhất trong các vụ tấn công tương tự ở Afghanistan thời gian gần đây, tạo ra áp lực lớn đối với chính quyền của Tổng thống Hamid Karzai trong việc sớm ký Hiệp ước an ninh song phương (BSA) với Mỹ.

Ngoài sức ép từ tình hình an ninh trong nước, Tổng thống Karzai cũng đang chịu sự thúc ép từ chính phủ của Tổng thống Barack Obama muốn ký BTA trong vài tuần tới, theo đó sẽ cho phép 12.000 binh lính nước ngoài, trong đó có khoảng 8.000 lính Mỹ, tiếp tục ở lại Afghanistan sau năm 2014 để làm nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng an ninh, quân đội Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố và ngăn chặn Taliban trở lại nắm quyền./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục