Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry ngày 7/2 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn sự can thiệp của nước ngoài vào tiến trình chính trị của Libya.
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập, trong cuộc gặp với Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Libya đồng thời là người đứng đầu Phái đoàn Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL), ông Abdoulaye Bathily nhằm tìm kiếm giải pháp thúc đẩy tiến trình chính trị ở Libya, Ngoại trưởng Shoukry đã kêu gọi tất cả các bên liên quan hỗ trợ người dân Libya đạt được sự đồng thuận.
Ông Shoukry và ông Bathily đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được đồng thuận về tiến trình chính trị nhằm đảm bảo tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội của Libya cũng như rút các binh sỹ nước ngoài và lính đánh thuê ra khỏi Libya trong một khung thời gian cụ thể.
[Libya kêu gọi các công ty toàn cầu hỗ trợ ngành dầu khí nước nhà]
Ông Shoukry đã xem xét tiến độ đạt được khung hiến pháp để mở đường cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội ở Libya trong các cuộc họp do Liên hợp quốc làm trung gian được tổ chức tại Ai Cập.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Ai Cập cũng nêu bật sự cần thiết của việc không cho phép "bất kỳ đảng phái nội bộ nào của Libya chiếm đoạt tiến trình chính trị thông qua việc áp đặt việc đã rồi."
Bên cạnh đó, ông Shoukry đã thông báo vắn tắt với ông Bathily về những diễn biến liên quan lộ trình hiến pháp dựa trên các cuộc họp mà Cairo đăng cai tổ chức gần đây, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn tất lộ trình này dưới sự bảo trợ của UNSMIL nhằm chuẩn bị cho việc tổ chức đồng thời các cuộc bầu cử lập pháp và tổng thống.
Hồi đầu tháng 1/2023, Ai Cập đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc gặp ở Cairo giữa Chủ tịch Quốc hội Libya Aguila Saleh và Chủ tịch Hội đồng Cấp cao Nhà nước (HCS) của Libya Khaled Al-Mishri.
Bộ Ngoại giao Ai Cập hoan nghênh kết quả của cuộc họp, coi đây là "bước tiến quan trọng" hướng tới việc tổ chức đồng thời các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội càng sớm càng tốt.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao khẳng định: "Ai Cập sẽ luôn ủng hộ các lựa chọn của người dân Libya và vai trò của các thể chế Libya nhằm đạt được an ninh, ổn định và thống nhất" ở quốc gia này.
Libya hiện bị chia rẽ bởi hai chính phủ đối địch, bao gồm chính phủ có trụ sở tại Tripoli do Thủ tướng Abdul-Hamid Dbeibah đứng đầu và một chính phủ của ông Fathi Bashagha do Quốc hội ở miền Đông chỉ định.
Về phần mình, ông Bathily ca ngợi những nỗ lực của Ai Cập trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Libya và tổ chức các cuộc đàm phán giữa các phe phái chính trị ở Libya nhằm đạt được một khuôn khổ hiến pháp cho các cuộc bầu cử ở quốc gia Bắc Phi này.
Ông Bathily khẳng định "giải pháp hiện đang nằm trong tay người dân Libya", đồng thời kêu gọi tất cả các bên của Libya thể hiện sự linh hoạt đối với một số vấn đề còn tồn tại liên quan đến khuôn khổ hiến pháp.
Trước đó cùng ngày, tại cuộc họp của Ủy ban Quân sự Chung 5+5 Libya (JMC) do Cairo đăng cai tổ chức, ông Bathily nhấn mạnh lộ tình an ninh là "một trụ cột quan trọng" để mở đường cho việc thành lập một môi trường chính trị và kinh tế thuận lợi ở Libya.
Cuộc họp của JMC, với sự tham dự của ông Bathily và đại diện các nước láng giềng của Libya là Sudan, Chad và Niger, nhằm thảo luận kế hoạch rút lính đánh thuê và các lực lượng nước ngoài ra khỏi Libya
Ông Bathily đề nghị Ai Cập cần duy trì liên lạc và phối hợp cởi mở với Liên hợp quốc để hỗ trợ cho Libya nhằm đảm bảo tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội cũng như rút tất cả các lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê ra khỏi nước này, phù hợp với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Quan chức Liên hợp quốc bày tỏ mong muốn tiếp tục phối hợp với Ai Cập vì vai trò then chốt của Cairo trong việc mang lại sự ổn định cho Libya.
Libya đã không thể tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 12/2021 như kế hoạch trước đó, do những bất đồng về luật bầu cử giữa các đảng phái ở nước này.
Kể từ khi chế độ của cố Tổng thống Muammar Gaddafi sụp đổ vào năm 2011, Libya phải chật vật thực hiện quá trình chuyển đổi dân chủ, trong bối cảnh bạo lực leo thang và chia rẽ chính trị./.