Ai Cập mong đợi khoản bồi thường 1 tỷ USD cho vụ tắc kênh đào Suez

Ông Rabei cho hay số tiền bồi thường 1 tỷ USD là tính đến hoạt động trục vớt, chi phí giao thông bị đình trệ và mất phí vận chuyển trong tuần mà con tàu Ever Given chắn ngang kênh đào Suez.
Hình ảnh siêu tàu chở hàng Ever Given mắc cạn tại Kênh đào Suez ngày 28/3. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mới đây, ông Ossama Rabei, người đứng đầu cơ quan quản lý Kênh đào Suez Ossama Rabei cho biết Ai Cập mong đợi khoản bồi thường hơn 1 tỷ USD sau sự cố tàu chở container siêu trọng mắc kẹt tại kênh đào trong gần một tuần.

Ông còn cảnh báo con tàu và hàng hóa sẽ không được phép rời Ai Cập nếu vấn đề bồi thường thiệt hại phải đưa ra tòa.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông, ông Rabei cho hay số tiền bồi thường trên là tính đến hoạt động trục vớt, chi phí giao thông bị đình trệ và mất phí vận chuyển trong tuần mà con tàu chở container Ever Given chắn ngang kênh đào Suez.

Theo người đứng đầu cơ quan quản lý Kênh đào Suez, con tàu chở container siêu trọng Ever Given đang ở một trong những hồ nước của con kênh, nơi mà chính quyền và những người quản lý con tàu cho biết đang tiến hành một cuộc điều tra về sự cố trên.

[Sự cố tàu mắc cạn tại kênh đào Suez gây thiệt hại hơn 1 tỷ USD]

Ngày 1/4, các nhà quản lý kỹ thuật của tàu Ever Given thuộc Bernard Schulte Shipmanagement, cho biết thủy thủ đoàn của con tàu đang hợp tác với các nhà chức trách để điều tra nguyên nhân dẫn đến việc con tàu mắc cạn.

Theo đó, các nhà điều tra của Cơ quan quản lý Kênh đào Suez đã được cấp quyền truy cập vào máy ghi dữ liệu hành trình, còn được gọi là hộp đen của con tàu.

Ông Rabei còn cho hay nếu cuộc điều tra diễn ra suôn sẻ và số tiền bồi thường được thỏa thuận, con tàu có thể đi tiếp mà không gặp vấn đề gì nữa.

Tuy nhiên, nếu vấn đề bồi thường liên quan đến kiện tụng, con tàu container siêu trọng cùng với lượng hàng hóa trị giá 3,5 tỷ USD sẽ không được phép rời Ai Cập.

Tàu Ever Given dài 400m, với trọng tải 220.000 tấn, chở theo hàng trăm container hàng hóa, đang trong hành trình tới điểm đến Rotterdam ở Hà Lan thì bị mắc cạn tại Kênh đào Suez, trở thành đường chéo cắt ngang qua một phần phía Nam của con kênh vào ngày 23/3, gây tắc nghẽn một trong những tuyến vận tải đường thủy nhộn nhịp nhất thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục