AIIB xem xét cấp 100 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp cho Sri Lanka

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka cho biết nền kinh tế Nam Á này đang rơi vào khủng hoảng với dự trữ ngoại hối có thể sử dụng giảm xuống còn 50 triệu USD.
Cảnh vắng lặng tại một khu trung tâm thương mại ở Colombo trong ngày tổng đình công ở Sri Lanka, hôm 28/4 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bộ Tài chính Sri Lanka ngày 8/5 cho biết Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) đang xem xét cấp 100 triệu USD hỗ trợ khẩn cấp cho nước này. Trong một tuyên bố, Sri Lanka cho biết đã yêu cầu AIIB hỗ trợ thanh khoản ngoại tệ cho các ngân hàng quốc doanh.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry cho biết nền kinh tế Nam Á này đang rơi vào khủng hoảng, với dự trữ ngoại hối có thể sử dụng giảm xuống còn 50 triệu USD, do chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, đà tăng của giá dầu và chính sách cắt giảm thuế của chính phủ Tổng thống Gotabaya Rajapaksa.

Được thành lập vào năm 2014 để thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng trên khắp châu Á, AIIB thu hút phần lớn nguồn tài trợ từ Trung Quốc.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang là chủ nợ lớn của Sri Lanka, với khoản nợ còn tồn đọng trị giá 6,5 tỷ USD trong thập kỷ qua cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm đường cao tốc, cảng, sân bay và nhà máy điện than.

[Tổng thống Sri Lanka ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 2 trên cả nước]

Trung Quốc đã mở rộng một khoản vay hợp vốn cho trị giá 1,3 tỷ USD cho Sri Lanka và một thỏa thuận hoán đổi bằng đồng nhân dân tệ trị giá 1,5 tỷ USD để tăng dự trữ của nước này. Hai nước đang đàm phán về hạn mức tín dụng 1,5 tỷ USD và khoản vay hợp vốn mới lên tới 1 tỷ USD.

Mới đây, Trưởng phái đoàn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Sri Lanka, ông Masahiro Nozaki, cho biết IMF sẽ bắt đầu vòng thảo luận mang tính kỹ thuật tiếp theo với Sri Lanka từ ngày 9-23/5 trong một tuyên bố rằng tổ chức này cam kết hỗ trợ Sri Lanka phù hợp với các chính sách của IMF.

Sri Lanka đang hy vọng IMF sẽ giúp nước này vượt qua các vấn đề thiếu hụt ngoại tệ đã dẫn đến khủng hoảng kinh tế. Tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men đã khiến hàng nghìn người xuống đường biểu tình.

Tổng thống Rajapaksa ngày 6/5 đã ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ hai trong vòng 5 tuần qua, trao nhiều quyền hạn cho các lực lượng an ninh để đối phó với làn sóng biểu tình chống chính phủ đang dâng cao khiến đất nước rơi vào tình trạng đình trệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục