Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 22/11, Ấn Độ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã phát động Lễ hội Hạt kê kéo dài 5 ngày tại thủ đô Jakarta của Indonesia nhằm nâng cao nhận thức và tạo ra thị trường cho kê và các sản phẩm làm từ kê trong khối 10 thành viên.
Đại sứ Ấn Độ tại ASEAN Jayant Khobragade cho biết: “Thủ tướng đã tham gia Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ và Hội nghị cấp cao Đông Á vào ngày 7/9. Trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ, một trong những tuyên bố chung được thông qua là về an ninh lương thực. Trong hai tháng sau hội nghị, chúng ta đã tổ chức Lễ hội Hạt kê cũng đề cập tới an ninh lương thực. Đó là mức độ hiệu quả mà mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện của chúng ta đang mang lại.”
Mô tả hạt kê là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực, ông Khobragade cho rằng điều này rất tốt trong khuôn khổ tổng thể của mối quan hệ ASEAN-Ấn Độ.
Ông còn nhấn mạnh vai trò quan trọng của kê trong việc giải quyết nạn đói và thiếu hụt chất dinh dưỡng trên toàn cầu.
FAO kêu gọi tăng an ninh và tính bền vững của hệ thống lương thực
Ông Arief Prasetyo Adi, Giám đốc Cơ quan Lương thực Quốc gia (BPN) Indonesia, nhấn mạnh kê là sự lựa chọn thực phẩm bền vững và thân thiện với nông dân trong tương lai khi đối mặt với biến đổi khí hậu.
Ông cho rằng Lễ hội Hạt kê ASEAN-Ấn Độ có cơ hội nâng cao nhận thức về lợi ích của kê, từ tình trạng dinh dưỡng, tính bền vững môi trường đến phát triển kinh tế.
Cây kê có thể phát triển trên những vùng đất khô cằn với lượng đầu vào tối thiểu và có khả năng phục hồi trước những thay đổi của khí hậu. Do đó, kê là giải pháp lý tưởng để các nước tăng khả năng tự cung tự cấp và giảm sự phụ thuộc vào ngũ cốc nhập khẩu.
Ấn Độ dẫn đầu Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố năm 2023 là “Năm Quốc tế về Hạt kê,” một động thái nhằm giải quyết các thách thức an ninh lương thực./.