Ấn Độ ghi nhận gần 30 bệnh nhân nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2

Hồi cuối tháng 12/2020, Anh đã phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với tên gọi VUI-202012/01 có tỷ lệ lây lan cao hơn 70% so với chủng virus cũ.
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 1/1, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo nước này đã ghi nhận gần 30 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được phát hiện trước đó tại Anh.

Theo Bộ Y tế Ấn Độ, hiện nước này đã phát hiện 29 trường hợp nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2.

Theo trang worldometers.info, tính tới thời điểm hiện tại, Ấn Độ đã ghi nhận tổng cộng 10.298.069 ca mắc COVID-19, trong đó có 149.179 ca tử vong.

Hồi cuối tháng 12/2020, Anh đã phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tỷ lệ lây lan cao hơn 70% so với chủng virus cũ.

[Bước sang năm 2021, châu Âu vẫn đang là tâm dịch COVID-19]

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, ngày 1/1, Chính phủ Israel cho biết đã tiêm chủng vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho 1 triệu người, vượt hơn 10% tổng dân số 9,2 triệu người của nước này.

Chiến dịch tiêm chủng mở rộng tại Israel đã được khởi động từ hôm 20/12/2020, sau khi nước này cấp phép lưu hành cho vắcxin của Pfizer/BioNTech.

Các nhóm được ưu tiên tiêm chủng trước gồm các nhân viên y tế, sinh viên các trường y, nhân viên các viện lão khoa và quan chức chính quyền. Tổng thống Reuven Rivlin và Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng đã được tiêm phòng.

Tiêm vắcxin phòng COVID-19 tại Ramat Gan, Israel, ngày 28/12/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Chính phủ Israel, người thứ 1 triệu được tiêm vắcxin là công dân Muhammad Jabarin ở thành phố Umm al-Fahm có đa số người Arab.

Ông Netanyahu coi chiến dịch tiêm chủng là cơ hội cho phép bình thường hóa trở lại hoạt động của người dân sau khi tiêm chủng đủ số lượng cần thiết.

Thủ tướng Netanyahu nêu rõ: "Một khi tiêm chủng ở diện đủ rộng, với hàng triệu người được tiêm phòng, chúng ta mới có thể mở cửa lại thương mại, các cửa hàng, nhà hàng… Mọi người mới có thể xuất ngoại, làm ăn kinh doanh và du lịch tới Dubai, Abu Dhabi, Bahrain."

Bên cạnh việc mua vắcxin của Pfizer/BioNTech, Israel cũng mua vắcxin phòng COVID-19 từ hãng dược Moderna của Mỹ.

Trong khi đó, Trung tâm y tế Hadassah ở Jerusalem cũng đã đặt mua 1,5 triệu liều vắcxin Sputnik-V của Nga và đang đợi Bộ Y tế Israel cấp phép lưu hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục