Ấn Độ mất hơn 200 ngôn ngữ trong nửa thế kỷ qua

Một nghiên cứu về ngôn ngữ tại Ấn Độ mới công bố cho biết đã có tới 230 ngôn ngữ tại nước này biến mất trong vòng 50 năm qua.
Một nghiên cứu về ngôn ngữ tại Ấn Độ mới được công bố gần đây cho biết đã có tới 230 ngôn ngữ tại nước này biến mất trong vòng 50 năm qua.

Người đứng đầu nghiên cứu thực hiện trong vòng bốn năm này, ông Ganesh Devy cho biết trong số 870 ngôn ngữ vượt qua được phép thử của thời gian, có tới 480 ngôn ngữ bộ lạc hiện vẫn được sử dụng tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu trên cũng bày tỏ lo ngại và cảnh báo rằng một số lượng lớn các ngôn ngữ đang ngày càng suy tàn. Trong số này, ngôn ngữ của các cộng đồng ven biển dường như bị bào mòn nhiều nhất, do những thế hệ ngư dân truyền thống bị mất sinh kế đã chuyển vào đất liền tìm kiếm việc làm tại các thành phố. Chịu tác động bất lợi của những thay đổi lớn này, một số lượng vô cùng phong phú các thuật ngữ về biển và cá không còn được sử dụng.

Bên cạnh đó, các thứ tiếng cũng mất dần đi trong số các bộ lạc du cư, những người bị xếp ở đáy cùng hệ thống xã hội Ấn Độ. Theo ông Devy, nhiều người trong số này đã nỗ lực che giấu danh tính của mình, trong đó có cả biện pháp không nói các phương ngữ truyền thống để "trốn tránh phiền nhiễu." Sau khi từ bỏ lối sống du mục để tới các thành phố và thị trấn, họ "dường như đã rời xa cả các tục lệ xã hội, văn hóa và ngôn ngữ" do lo sợ bị loại ra khỏi xã hội hiện đại.

Trong một bài viết đăng trên tạp chí The Hindu ngày 3/9, ông Devy cho biết nghiên cứu cũng đã phát hiện các đại từ thân tộc đều bị rút bớt trong hầu hết các ngôn ngữ, phản ánh sự suy yếu của quan hệ gia đình, cùng với đó là các từ ngữ chỉ hình thức cầu nguyện. Ngoài ra, sự ràng buộc sinh thái không còn chặt chẽ cũng được phản ánh qua việc người dân không thể gọi tên các loài cây và chim chóc xung quanh bằng ngôn ngữ truyền thống của mình.

Mặc dù vậy, những ngoại lệ cũng xuất hiện trong số những bộ lạc không du cư, đặc biệt là các bộ lạc được hưởng sự phát triển kinh tế toàn diện tại quê nhà. Chẳng hạn tại bang Jharkhand miền Đông Ấn Độ, nơi 30% dân số thuộc các bộ lạc, di sản của họ vẫn rất bền vững.

Mặt khác, hiện có khoảng 190 bộ lạc sinh sống trên toàn Ấn Độ, với tổng số dân vào khoảng 60 triệu người. Sự hiện diện của các nhóm người bản xứ giúp Ấn Độ duy trì đa dạng và phong phú về ngôn ngữ, bất chấp sự phát triển về kinh tế cũng như ảnh hưởng của phương Tây. Đây cũng là quốc gia duy nhất vẫn còn tới hơn 800 ngôn ngữ tồn tại.

Năm tập đầu tiên trong tổng số 50 tập sách "Nghiên cứu ngôn ngữ Ấn Độ" được trình bày tỉ mỉ này sẽ được phát hành tại thủ đô New Delhi ngày 5/9. Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, 3.000 tình nguyện viên từ khắp các vùng miền của Ấn Độ đã đến các cộng đồng cư trú tại những vùng hẻo lánh nhất, tìm hiểu và thu thập tài liệu về những ngôn ngữ nói và viết vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Nhóm nghiên cứu đã xem xét kỹ lưỡng bằng chứng cho thấy sự tồn tại của mỗi ngôn ngữ, chẳng hạn cách một cộng đồng hát và kể các bài dân ca và truyện dân gian bằng tiếng mẹ đẻ, cũng như những phương ngữ họ dùng để miêu tả đặc trưng địa lý của môi trường xung quanh. Sau đó, nhóm nghiên cứu đối chiếu các phát hiện của mình với kết quả của một cuộc tổng điều tra dân số do Chính phủ Ấn Độ thực hiện năm 1961, trong đó cho biết khoảng 1.100 ngôn ngữ còn tồn tại.

Là một đất nước đa dạng với số lượng lớn các bộ lạc và người dân bản xứ, song Ấn Độ cũng ngày càng hiện đại hóa. Có 22 ngôn ngữ chính thức được liệt kê trong Hiến pháp Ấn Độ, với tiếng Hindi là ngôn ngữ chính, kết hợp với tiếng Anh là ngôn ngữ được ưu tiên trong thương mại và giảng dạy./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục