Ấn Độ-Nhật Bản nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt

Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Bản từ 11-13/12 vừa qua đã nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu Ấn Độ-Nhật Bản lên vị thế mới.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp ở New Delhi ngày 12/12 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từ ngày 11-13/12 vừa qua đã nâng tầm quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu Ấn Độ-Nhật Bản lên vị thế mới với sự tăng cường và mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.

Đây là lần thứ tư Thủ tướng Abe gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chưa đầy một tháng qua, thể hiện sự coi trọng hợp tác song phương giữa hai nước.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội đàm, ông Modi nêu rõ chuyến thăm của Thủ tướng Abe đã góp phần thúc đẩy sự định hình về một thế kỷ châu Á trong giá trị và tầm nhìn quan hệ Ấn Độ-Nhật Bản. Trong khi đó, Thủ tướng Abe khẳng định mối quan hệ giữa hai nước đã được nâng lên tầm cao mới.

Trong Tuyên bố chung mang tên “Tầm nhìn Ấn Độ và Nhật Bản 2025: Mối quan hệ Đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu cùng hợp tác vì hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thế giới,” hai bên nhất trí thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt và toàn cầu giữa hai nước trở thành một nền tảng rộng lớn, phản ánh sự hội tụ sâu rộng về các mục tiêu chính trị, kinh tế và chiến lược.

Hai bên cũng cam kết nỗ lực thúc đẩy hình thành một trật tự khu vực hòa bình, cởi mở, công bằng và ổn định, dựa trên luật pháp quốc tế ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và xa hơn nữa; khẳng định tuân thủ các nguyên tắc nền tảng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và phát triển thương mại toàn cầu cũng như các nguyên tắc dân chủ và nhân quyền.

Về hợp tác quốc phòng-an ninh, hai bên cam kết tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực này thông qua các cơ chế đối thoại 2+2, đối thoại chính sách quốc phòng, cũng như các chương trình trao đổi hợp tác giữa lực lượng lục quân, không quân và cảnh sát biển hai nước; nhất trí tăng cường hợp tác, trao đổi công nghệ cũng như cùng nghiên cứu phát triển thiết bị quốc phòng.

Về hợp tác kinh tế-tài chính, hai bên nhất trí mở rộng đầu tư song phương thông qua thiết lập cơ chế mới “Sáng kiến đầu tư IOT Nhật Bản-Ấn Độ.” Nhật Bản cam kết chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo kỹ năng cũng như tăng ODA cho Ấn Độ; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp khu vự tư nhân đầu tư và thúc đẩy các sáng kiến đầy tham vọng như “Sản xuất tại Ấn Độ,” “Ấn Độ kỹ thuật số,” “làm sạch Ấn Độ,” “phát triển thành phố thông minh.”

Nhật Bản cam kết đầu tư gần 15 tỷ USD xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc đầu tiên nối Mumbai-Ahmedabad sử dụng công nghệ HSR của Nhật Bản; lập Quỹ tài chính đặc biệt cho sáng kiến "Sản xuất tại Ấn Độ" trị giá 1.500 tỷ yen (khoảng 12,3 tỷ USD) để hỗ trợ các doanh nghiệp của Nhật Bản tại Ấn Độ, nhất là trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và sáng kiến nói trên; cam kết cấp 1.000 tỷ yen (hơn 8 tỷ USD) đầu tư cho dự án tàu điện ngầm Chennai-Ahmedabad; đồng thời xem xét hỗ trợ vốn ODA cho các dự án kết nối mạng lưới đường bộ ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ.

Hai bên cũng khẳng định tăng cường hợp tác trong chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ với chính sách “Đối tác cơ sở hạ tầng chất lượng” của Nhật Bản, theo đó nhấn mạnh sự hợp tác trong các dự án cơ sở hạ tầng và tăng cường khả năng kết nối bên trong Ấn Độ cũng như giữa Ấn Độ với các nước ở khu vực.

Trong hợp tác đa phương, Nhật Bản và Ấn Độ nhất trí thúc đẩy các cuộc đối thoại và hợp tác ba bên với các đối tác lớn trong khu vực như Mỹ và Australia để thúc đẩy đảm bảo an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; đồng thời góp phần vào nỗ lực phát triển kinh tế, hình thành cấu trúc chính trị và an ninh cởi mở, toàn diện, ổn định và minh bạch trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hai bên cũng cam kết tăng cường hợp tác tại các diễn đàn kinh tế và an ninh khu vực, cùng phối hợp hành động để giải quyết những thách thức toàn cầu như chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu, thúc đẩy cải tổ Liên hợp quốc; đồng thời khẳng định quyết tâm mở rộng hợp tác song phương cũng như hợp tác với các đối tác khác để tăng cường kết nối khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông đối với an ninh năng lượng và thương mại của thế giới, coi đây là nền tảng cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận, góp phần duy trì và đảm bảo hòa bình, ổn định của khu vực.

Hai bên cũng nhấn mạnh quyền tự do hàng hải và thương mại hợp pháp không thể bị cản trở trong vùng biển quốc tế; đồng thời nhất trí tăng cường hợp tác bảo vệ tài sản chung của toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải, trong không gian mạng thông qua các cuộc đối thoại và tham vấn trực tiếp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục