Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj ngày 7/12 đã lên đường sang thủ đô Islamabad, bắt đầu chuyến thăm Pakistan hai ngày.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Ngoại trưởng Ấn Độ sẽ tham dự hội nghị đa phương “Trái tim châu Á” về vấn đề an ninh của Afghanistan.
Ngoài ra, bà Swaraj dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif bên lề hội nghị vào ngày 9/12 để thảo luận về các vấn đề quan hệ trong phương.
Theo kế hoạch, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj cũng sẽ có cuộc gặp ông Sartaj Aziz, Cố vấn về các vấn đề đối ngoại của thủ tướng Pakistan.
Phát biểu trước cuộc gặp, Cố vấn Aziz ngày 7/12 cho biết hai bên sẽ thảo luận nhiều vấn đề nhưng sẽ tập trung vào việc nối lại tiến trình đối thoại song phương.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Ấn Độ cùng với cuộc gặp giữa các cố vấn an ninh quốc gia hai nước hôm 6/12 tại thủ đô Bangkok của Thái Lan được kỳ vọng làm tan băng căng thẳng quan hệ song phương.
Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Pakistan Sharif đã gặp nhau bên lề hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu diễn ra ở Paris hôm 30/11. Sau cuộc gặp tại Paris, Thủ tướng Sharif tuyên bố “các cánh cửa đối thoại giữa hai nước nên được mở ra."
Trước đó, trong cuộc gặp giữa ông Modi và ông Sharif bên lề hội nghị Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) tại thành phố Ufa của Nga hồi tháng Bảy, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy cuộc gặp các cố vấn an ninh quốc gia hai nước tại New Delhi để thảo luận về tất cả các vấn đề liên quan tới khủng bố. Tuy nhiên, đến phút chót, cuộc gặp trên đã bị hủy do hai bên không thống nhất được chương trình nghị sự.
Pakistan khẳng định đối thoại chỉ diễn ra đưa vấn đề Kashmir ra thảo luận, còn khi Ấn Độ chỉ muốn bàn về vấn đề chống khủng bố. Hồi tháng 8/2014, Ấn Độ cũng đã đột ngột hủy đối thoại cấp bí thư đối ngoại song phương với Pakistan do Ủy ban cấp cao Pakistan tại New Delhi gặp các thủ lĩnh ly khai tại Kashmir.
Khu vực Kashmir thuộc dãy Himalaya là vùng lãnh thổ mà Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền. Hai bên đã thực thi lệnh ngừng bắn ở "Ranh giới kiểm soát" (LOC) phân chia giữa hai nước tại Kashmir kể từ năm 2003, song thường xảy ra đụng độ tại khu vực này và hai bên đều đổ lỗi cho nhau.
Căng thẳng leo thang nghiêm trọng tại Kashmir năm 1999 khi giao tranh làm hơn 1.000 lính hai bên thiệt mạng. Riêng trong năm 2014 và 2015, đã có 38 người, trong đó có 10 nhân viên an ninh, thiệt mạng do đụng độ tại LoC và đường biên giới quốc tế ở khu vực Jammu và Kashmir. Đụng độ tại khu vực này cũng làm gần 200 người bị thương./.