Ấn Độ sẽ được lợi gì nếu Tổng thống Mỹ và Iran hòa giải?

Theo các nhà phân tích, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ gặp gỡ phía Iran “bất cứ khi nào họ muốn” có thể mở ra một cánh cửa hy vọng cho Ấn Độ.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (phải) và Tổng thống Mỹ Trump. (Nguồn: Japantimes)

Theo trang mạng eurasiareview.com, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ gặp gỡ phía Iran “bất cứ khi nào họ muốn” có thể mở ra một cánh cửa hy vọng cho Ấn Độ.

Cuộc đàm phán giữa Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Tổng thống Mỹ Trump sẽ không chỉ làm giảm căng thẳng giữa hai nước mà còn khiến các nước khác, chẳng hạn như Ấn Độ, cảm thấy “dễ chịu.”

Một giải pháp ngoại giao sẽ đưa viễn cảnh hòa bình ở Trung Đông quay trở lại bàn đàm phán, giúp bảo vệ lợi ích chiến lược của Ấn Độ trong khu vực. Một sự tan băng trong cuộc “Chiến tranh Lạnh" này sẽ là điều vô cùng quan trọng cho Ấn Độ tiếp tục quá trình phát triển trên vũ đài thế giới.

Giới chuyên gia khẳng định nếu không có bất kỳ động thái ngoại giao nào được thực hiện hướng tới việc giảm leo thang tình hình ở Iran, hòa bình tại Vịnh Persic sẽ là điều khó đạt được. "Chiến tranh lạnh" giữa Mỹ và Iran đã dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh ủy nhiệm tại các khu vực như Yemen và Syria, nhấn chìm toàn bộ khu vực trong sự hỗn loạn. Do đó, việc né tránh các cuộc đàm phán chỉ giúp củng cố sự hiện diện của Iran ở những quốc gia này, trong khi viễn cảnh “hòa bình thế giới” mà Trump mong muốn vẫn chỉ là một giấc mộng vô hình.

Với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt gần đây, dường như ông Trump chỉ đang khuyến khích Iran cố gắng tiếp tục xây dựng sức mạnh hạt nhân của họ, khiến mục tiêu thay đổi chế độ của ông trở nên ít khả thi hơn.

Năng lực quân sự của Iran có thể khiến chiến tranh nhấn chìm Tây Á, dẫn đến tình trạng bất ổn toàn diện và một dòng người tị nạn khác lan rộng khắp trong và ngoài khu vực.

Ông Trita Parsi, cựu Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Iran-Mỹ có trụ sở tại Washington, nhấn mạnh rằng người Iran vốn không hành xử dựa trên lý trí khi phải chịu áp lực, do đó, việc đe dọa áp đặt các lệnh trừng phạt thay vì các biện pháp ngoại giao chỉ khiến cuộc chiến tranh trở thành một mối nguy hiểm thực sự đối với khu vực và thậm chí còn ảnh hưởng lan sang cả phía Đông.

Hiệu ứng lan truyền của một cuộc chiến tranh Tây Á toàn diện sẽ ảnh hưởng tới Ấn Độ do mật độ dân số gốc Ấn khá lớn trong khu vực. Vấn đề này có thể là một gánh nặng đè lên vai Ấn Độ cả về mặt chính trị lẫn kinh tế. Cộng đồng Ấn Độ trong khu vực các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) chiếm khoảng 7-8 triệu người vào năm 2017 và đặc điểm nhân khẩu học này chính là một công cụ then chốt cho quyền lực cứng cũng như mềm mà Ấn Độ đã xây dựng suốt nhiều năm qua.

Sự tồn tại của cộng đồng này là một lời nhắc nhở về các mối liên hệ lịch sử-văn hóa chung giữa Đông và Tây Á, cho phép Ấn Độ nắm giữ lợi thế cạnh tranh trong khu vực với bất kỳ cường quốc châu Á nào, chẳng hạn như Trung Quốc hay Pakistan. Việc đánh mất tất cả những nỗ lực xây dựng quyền lực mềm chỉ vì một cuộc chiến lan rộng từ Iran sẽ gây tổn hại cho Ấn Độ trong một thời gian dài.

[Trừng phạt Iran, Mỹ có vô tình đẩy Iraq ra khỏi vòng tay?]

Cộng đồng này cũng là một công cụ của quyền lực cứng về mặt kinh tế bởi họ mang về cho Ấn Độ khoảng 35,9 tỷ USD mỗi năm. Ấn Độ sẽ không thể chu cấp đủ cho một cuộc chiến ở quy mô lớn như vậy bởi họ sẽ mất đi khoản kiều hối lớn và phải đầu tư cho các sứ mệnh di tản để bảo vệ người dân của mình ở các nước như Yemen - nơi sẽ là một trong những trung tâm của cuộc xung đột.

Mặc dù các sứ mệnh di tản của Ấn Độ trong suốt cuộc chiến tranh vùng Vịnh và gần đây là cuộc khủng hoảng ở Yemen đã thành công, nhưng một cuộc chiến tranh tiềm tàng sắp tới có thể khiến việc bảo vệ cộng đồng này trở thành một nhiệm vụ bất khả thi.

Suy cho cùng, do sự hiện diện lớn của công dân Ấn Độ trong khu vực, nếu Iran giành chiến thắng thông qua đàm phán ngoại giao, Ấn Độ cũng sẽ là bên chiến thắng thứ hai bởi họ sẽ tránh được nguy cơ làm tổn hại đến mối quan hệ song phương này.

Hơn nữa, Ấn Độ còn ở thế “tiến thoái lưỡng nan” khi mối thù địch giữa Iran và Mỹ đã buộc Ấn Độ phải đẩy lùi tốc độ xây dựng cảng Chabahar - một dự án vàng của khu vực sẽ mang lại lợi ích thương mại vô cùng lớn. Bằng việc đầu tư 500 triệu USD để phát triển Chabahar, Ấn Độ còn đặt mục tiêu cắt giảm 1/3 chi phí vận chuyển và đẩy mạnh quan hệ thương mại Iran-Afghanistan-Ấn Độ.

Với vai trò là một tuyến đường tắt thay thế tới các thị trường châu Âu, cảng Chabahar cũng góp phần giảm sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Pakistan - nước từng đóng cửa hai tuyến đường thương mại với New Delhi. Vị trí địa lý của Chabahar ở Vịnh Oman cũng tạo điều kiện cho hoạt động thương mại từ Iran bởi các tàu sẽ không còn phải tiến vào Vịnh Ba Tư qua eo biển hẹp nữa. Sự phát triển của cảng Chabahar này rất quan trọng cho sự phát triển của Ấn Độ với vị thế là “ông trùm” trong thị trường thương mại toàn cầu.

Việc đánh mất dự án cảng Chabahar do mối thù địch giữa Mỹ và Iran sẽ gây tổn hại cho Ấn Độ bởi dự án này mang lại lợi thế cạnh tranh cho Ấn Độ trước Trung Quốc.

Trong bối cảnh ông Trump sẽ trừng phạt bất kỳ nước nào quyết định giao thương với Iran, Ấn Độ có nguy cơ đánh mất quyền phát triển Chabahar. Viễn cảnh này sẽ tạo ra khoảng trống để Trung Quốc và sau đó là Pakistan nhảy vào thế chỗ, góp phần tăng sức ảnh hưởng của họ trong khu vực.

Về vấn đề an ninh năng lượng, Bộ Dầu mỏ Ấn Độ cho biết sản lượng tiêu thụ dầu nước này đã tăng 10,3%, từ mức 15,3 triệu tấn năm 2017 lên 16,9 triệu tấn tính đến tháng 1/2018. Iran vẫn là nhà cung cấp dầu lớn thứ 3 của Ấn Độ và do đó, nguồn cung dầu của Iran vẫn rất quan trọng đối với hoạt động của nền kinh tế Ấn Độ. Với vòng trừng phạt mới nhất của Mỹ, giá dầu được dự đoán sẽ tăng vọt, và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng lạm phát và giá trị đồng nội tệ của Ấn Độ.

Cuối cùng, việc Rouhani và Trump hòa giải có thể mang lại lợi ích cho mối quan hệ giữa Ấn Độ với nước láng giềng Pakistan. Mối quan hệ thân thiết hơn với Iran sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào Pakistan - điều có thể thúc đẩy họ bắt đầu chiến lược chống lại những phần tử cực đoan Taliban và Sunni ở Pakistan.

Có thể thấy rằng Ấn Độ sẽ là nước được hưởng rất nhiều lợi ích từ các cuộc đàm phán giữa ông Rouhani và ông Trump bởi nước này có nhiều lợi ích trong khu vực. Do đó, Ấn Độ nên hy vọng Iran sẽ thúc đẩy các cuộc đối thoại và các tổng thống Mỹ sẽ kiên định với quyết định của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục