Anh ấn định thời điểm tổ chức cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit

Trong cuộc họp với các bộ trưởng cấp cao, bà May đã một lần nữa khẳng định chính phủ không có chủ trương kéo dài tiến trình Brexit, và nói rằng bà "sẽ kết thúc các cuộc tranh luận vào ngày 15/1."
Cờ EU (phía trên) và quốc kỳ Anh (phía dưới) bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Anh ở London ngày 7/1/2018. (Nguồn: THX/TTXVN)

Anh có kế hoạch tổ chức cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, vào ngày 15/1 tới.

Trao đổi với báo giới ngày 8/1, người phát ngôn Thủ tướng Anh Theresa May cho biết trong cuộc họp với các bộ trưởng cấp cao, bà May đã một lần nữa khẳng định chính phủ không có chủ trương kéo dài tiến trình rời khỏi "ngôi nhà chung" châu Âu theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon.

Cũng theo người phát ngôn, Thủ tướng May đã nói rằng bà "sẽ kết thúc các cuộc tranh luận vào ngày 15/1, thời điểm một cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra."

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Brexit của Anh Stephen Barclay cũng khẳng định nước này sẽ rời EU vào ngày 29/3 tới và không xem xét kéo dài thời gian "chia tay" được quy định tại Điều 50 Hiệp ước Lisbon, qua đó bác bỏ những thông tin cho rằng giới chức Anh và EU đang thảo luận khả năng kéo dài thời gian đưa ra thông báo chính thức về Brexit. Điều 50 của Hiệp ước Lisbon quy định về cách thức một nước thành viên rời khỏi EU.

Trong diễn biến liên quan, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ở Dublin ngày 8/1, Ngoại trưởng Ireland Simon Coveney tuyên bố Ireland sẽ không ngăn cản nếu Anh đề nghị gia hạn Điều 50, song cho rằng vấn đề này sẽ phải được cân nhắc ở cấp EU.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Maas cho rằng chưa đến lúc phải xem xét đến việc trì hoãn tiến trình Brexit trong bối cảnh Quốc hội Anh có thể thay đổi ý kiến để ủng hộ thỏa thuận hiện hành.

Quan chức này nói: "Tôi thực sự không muốn nghĩ về khả năng gia hạn Điều 50 vào thời điểm hiện nay."

Tương lai Brexit vẫn chưa chắc chắn trong bối cảnh thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng May đã nhất trí với EU tháng 11 vừa qua vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ Anh, do điều khoản "rào chắn," tức là kế hoạch dự phòng cho biên giới Ireland, giúp duy trì biên giới mở giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland sau Brexit.

Dù điều khoản này đã góp phần quan trọng giúp Anh và EU khơi thông thế bế tắc trong đàm phán và đi đến thỏa thuận, nhưng đây lại là vấn đề đối nội lớn nhất mà bà May vấp phải khi mang thỏa thuận "về nhà."

Hiện có hai lựa chọn cho các nghị sỹ trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện vào tuần tới đó là thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit của chính phủ, hoặc chính phủ sẽ quyết định theo phương án rời EU đúng ngày đã định mà không có thỏa thuận.

Kịch bản xấu nhất này sẽ để lại những hậu quả nặng nề về kinh tế và thương mại với Anh đồng thời cũng ảnh hưởng không nhỏ tới EU./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục