Đảng Dân tộc Scotland (SNP) tại Scotland, Vương quốc Anh, đã trở thành chính đảng cầm quyền lần thứ 4 liên tiếp tại vùng lãnh thổ này, mặc dù không thể giành được thế đa số quá bán tại nghị viện khóa mới.
Theo kết quả kiểm phiếu chính thức của cuộc bầu cử hôm 6/5, SNP giành được 64 trong tổng số 129 ghế tại Nghị viện Scotland, thiếu 1 ghế để giành được thế đa số tuyệt đối.
Trong khi đó, đảng Bảo thủ Scotland duy trì vị trí thứ hai với 31 ghế, tiếp đó là Công đảng Scotland với 22 ghế, đảng Xanh Scotland giành được 8 ghế và đảng Dân chủ Tự do có được 4 ghế.
Kết quả này cho thấy có một sự thay đổi nhỏ so với cuộc bầu cử gần nhất là vào năm 2016.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gửi điện chúc mừng lãnh đạo SNP, đồng thời là Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon và đề nghị bà hợp tác.
Văn phòng Chính phủ Anh dẫn nội dung bức điện có đoạn viết: "Tôi tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng những lợi ích của nhân dân trên toàn Vương quốc Liên hiệp Anh và đặc biệt là nhân dân Scotland sẽ được phục vụ một cách tận tâm nhất khi chúng ta hợp tác cùng nhau."
Thủ tướng Johnson nêu rõ chính quyền London mong muốn hợp tác với chính quyền của bà Sturgeon trên "tinh thần cộng tác."
Bất chấp thời tiết xấu và các biện pháp giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19Trong cuộc bầu cử hôm 6/5 vừa qua, tỷ lệ cử tri Scotland đi bỏ phiếu cao hơn so với năm 2016.
Giới quan sát chính trị cho rằng tỷ lệ đi bầu cao có thể do các chính đảng đã có chiến thuật tốt để lôi kéo các cử tri.
Đơn cử ngay từ sáng sớm hôm bầu cử, Thủ hiến Scotland, lãnh đạo đảng SNP, bà Nicola Sturgeon, đã gửi hàng loạt tin nhắn và email với thông điệp “Scotland cần bạn” tới các cử tri để vận động họ đi bỏ phiếu cùng bạn bè và người thân trong gia đình.
[Thủ hiến Scotland cam kết thúc đẩy trưng cầu dân ý về nền độc lập]
Chiều cùng ngày, trước khi các hòm phiếu đóng cửa, bà Sturgeon tiếp tục gửi email kêu gọi những cử tri chưa đi bầu hãy bỏ phiếu ủng hộ SNP. Đảng này đang tìm kiếm thế đa số ủng hộ độc lập nhằm gây sức ép để Thủ tướng Johnson cho phép tổ chức cuộc trưng cầu ý dân khác về việc tách khỏi Vương quốc Anh.
Năm 2014, Scotland từng tổ chức trưng cầu ý dân về rời khỏi Vương quốc Anh, trong đó 55% phản đối ý tưởng này.
Trong khi đó, đảng Bảo thủ cầm quyền đã có một kết quả bất ngờ trong cuộc bầu cử địa phương tại vùng England.
Theo kết quả kiểm phiếu chính thức tại đây, được công bố ngày 7/5, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Johnson đã bất ngờ giành chiến thắng tại Hartlepool, vốn là "sân nhà" của Công đảng đối lập tại Đông Bắc vùng England.
Cụ thể, ứng cử viên đảng Bảo thủ Jill Mortimer giành được 15.529 phiếu ủng hộ, gần gấp đôi số phiếu của đối thủ Công đảng Paul Williams với 8.589 phiếu.
Kể từ khi được thành lập năm 1974, đơn vị bầu cử ủng hộ mạnh mẽ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) này chưa bao giờ bỏ phiếu cho ứng cử viên đảng Bảo thủ.
Kết quả trên là đòn giáng mạnh vào Công đảng, cũng như thủ lĩnh đảng đối lập này Keir Starmer.
Trong khi đó, chiến thắng áp đảo của đảng Bảo thủ tại Hartlepool giúp đảng của Thủ tướng Johnson càng mở rộng thế đa số tại cơ quan lập pháp vùng England.
Hôm 6/5, cử tri Anh đã đi bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi nước này rời EU cũng như trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới./.