Anh công bố dự luật bảo vệ binh sỹ trước nguy cơ bị truy tố

Dự luật đưa ra một giả định theo luật định chống lại việc truy tố các binh sỹ hay cựu quân nhân vì các tội đã phạm phải trong khi làm nhiệm vụ ở nước ngoài hơn 5 năm về trước.
Lực lượng binh sỹ Anh. (Nguồn: Guardian)

Ngày 22/9, Chính phủ Anh đã công bố Dự luật Hoạt động ở nước ngoài nhằm cung cấp "sự bảo vệ pháp lý mạnh mẽ hơn" cho các binh sỹ và cựu quân nhân - những người có thể phải đối mặt với cáo buộc tội phạm ác chiến tranh. Dự luật sẽ được các nghị sỹ đưa ra thảo luận trong ngày 23/9.

Dự luật đề xuất các biện pháp nhằm "giảm thiểu sự mập mờ phát sinh từ các cáo buộc có tính lịch sử (không có chứng cứ khẳng định), đồng thời xây dựng một khung pháp lý tốt hơn để xử lý các cáo buộc có thể phát sinh từ các cuộc xung đột ở nước ngoài trong tương lai."

Dự luật đưa ra một giả định theo luật định chống lại việc truy tố các binh sỹ hay cựu quân nhân vì các tội đã phạm phải trong khi làm nhiệm vụ ở nước ngoài hơn 5 năm về trước.

Văn kiện này đề xuất quy định các công tố viên không được truy tố các binh sĩ và cựu quân nhân sau 5 năm, yêu cầu họ phải cân nhắc tới lợi ích chung và được sự cho phép của Bộ trưởng Tư pháp Anh trước khi khởi tố.

[Quy mô quân đội Anh giảm liên tiếp trong gần một thập kỷ]

Dự luật cũng hạn chế quyền tự quyết của tòa án trong việc gia hạn tối đa 6 năm để đưa ra các yêu cầu dân sự đối với thương tích cá nhân và vi phạm nhân quyền. Bên cạnh đó, dự luật cũng buộc Chính phủ Anh trong tương lai phải cân nhắc gạt sang một bên Hiệp định châu Âu về nhân quyền (ECHR) trong các hoạt động quân sự quan trọng ở nước ngoài.

Tuy nhiên, Chính phủ Anh cho biết các hoạt động như vậy vẫn sẽ tiếp tục chịu sự chi phối của luật nhân đạo quốc tế khác.

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết nếu được quốc hội thông qua, đạo luật mới này sẽ là hiện thực hóa cam kết của Chính phủ đảng Bảo thủ đưa ra trong cuộc bầu cử năm 2019 về việc bảo vệ binh sỹ và cựu quân nhân trước "những cáo buộc không đủ chứng cớ và các cuộc điều tra vô tận."

Ông nhấn mạnh, các binh sĩ đã mạo hiểm mạng sống để bảo vệ người dân, do đó việc tiếp tục xúc tiến xây dựng bộ luật này là hết sức quan trọng để mang lại sự bảo đảm cho họ.

Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Anh Johnny Mercer nhấn mạnh việc xây dựng luật này không nhằm mục đích "ân xá hay đặt binh sỹ lên trên luật pháp, mà nhằm bảo vệ họ trước các luật sư có ý định đòi viết lại lịch sử để trục lợi."

Việc truy tố các binh sỹ Anh vì các tội ác lịch sử ở Bắc Ireland, cũng như trong các cuộc xung đột mới đây nhất ở Iraq và Afghanistan, đã trở thành vấn đề gây tranh cãi đeo bám quân đội và Chính phủ Anh trong nhiều năm qua.

Trước khi đắc cử Thủ tướng Anh hồi tháng 12/2019, ông Boris Johnson đã cam kết chấm dứt các hành vi buộc tội nhằm vào các binh sỹ từng làm nhiệm vụ tại Bắc Ireland trong giai đoạn được gọi là cuộc nội chiến ở Bắc Ireland (Troubles).

Theo Bộ Quốc phòng Anh, khoảng 70% các cáo buộc của Nhóm cáo buộc lịch sử Iraq đã bị loại bỏ vì không có cơ sở phản hồi.

Tuy nhiên, những rò rỉ từ các cuộc điều tra của Chính phủ Iraq và Afghanistan hồi cuối năm ngoái lại cho thấy quân đội Anh bị cáo buộc che đậy những bằng chứng đáng tin cậy về tội ác chiến tranh của binh sĩ đối với người dân tại hai nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục