Argentina thả nổi tỷ giá hối đoái để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo Bộ trưởng Kinh tế và tài chính Argentina, việc thả nổi tỷ giá hối đoái sẽ giúp xóa bỏ các rào cản nào đối với các hoạt động xuất-nhập khẩu và mua USD của các doanh nghiệp và người dân.
Ảnh minh họa. (Nguồn: igdigital.com)

Ngày 16/12, tân Bộ trưởng Kinh tế và tài chính Argentina Alfonso Prat-Gay thông báo quyết định bỏ trần tỷ giá hối đoái được áp dụng từ cuối năm 2011. Với quyết định này, đồng nội tệ peso của nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latinh có thể bị phá giá ít nhất 40%.

Phóng viên TTXVN tại Buenos Aires dẫn phát biểu của Bộ trưởng Prat-Gay tại buổi họp báo khẳng định việc thả nổi tỷ giá hối đoái sẽ giúp xóa bỏ các rào cản nào đối với các hoạt động xuất-nhập khẩu và mua USD của các doanh nghiệp và người dân, cũng như sẽ loại bỏ tình trạng chênh lệch giữa tỷ giá chính thức trong ngân hàng với tỷ giá chợ đen. Theo đó, các công ty và cá nhân có thể mua tới 2 triệu USD/tháng.

Tuy nhiên, ông Prat-Gay cũng cho biết Ngân hàng Trung ương (BCRA) sẽ can thiệp vào việc mua và bán USD trong trường hợp cần thiết. Hiện mức quy đổi trong ngân hàng ở mức 9,83 peso đổi 1 USD, trong khi thị trường chợ đen tỷ giá dao động từ 13 tới 15 peso đổi 1 USD.

Cũng theo Bộ trưởng Prat-Gay, chính sách mới cũng sẽ dỡ bỏ tất cả những hạn chế về việc sử dụng hay tiêu đồng USD ở nước ngoài bởi những quy định đó đã cản trở nền kinh tế Argentina phát triển. Ông khẳng định các hoạt động tài chính của Argentina sẽ trở lại bình thường, đúng như cam kết trong chiến dịch tranh cử của tân Tổng thống Mauricio Macri.

Ngoài ra, Bộ trưởng Prat-Gay cũng cho biết Chính phủ Argentina đã thỏa thuận với các nhà sản xuất ngũ cốc tăng cường xuất khẩu và hy vọng trong 3 tuần tới mỗi ngày xuất khẩu nông sản sẽ đem về cho Argentina 400 triệu USD. BCRA cũng đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc chuyển đổi một phần nhân dân tệ mà nước này cho Argentina vay sang USD. Theo ông, hiện dự trữ ngoại tệ Argentina ở mức hơn 24 tỷ USD và con số này sẽ tăng thêm từ 15 tới 25 tỷ trong vòng 4 tuần tới, do đó BCRA có đủ khả năng điều tiết thị trường ngoại hối. Ngoài ra, Chính phủ cũng đang thương lượng với nhiều tổ chức tài chính quốc tế để vay 5 tỷ USD với mức lãi suất 7%/năm.

Mức trần tỷ giá hối đoái được áp dụng từ cuối năm 2011 ngay khi Tổng thống vừa mãn nhiệm Cristina Fernández nhậm chức nhiệm kỳ hai sau một đợt tiền USD bị mua ồ ạt, ảnh hưởng tới nguồn dự trữ ngoại tệ của BCRA. Các chính sách quản lý “chảy máu” ngoại tệ ngày càng được thắt chặt vào những tháng sau đó, bao gồm hạn chế mua USD, hạn chế nhập khẩu, hạn chế chuyển tiền của các chi nhánh con làm ăn ở Argentina tới chi nhánh mẹ ở nước ngoài, áp mức thuế 35% với giá vé máy bay đi và về từ nước khác, chi tiêu bằng thẻ tín dụng ở nước ngoài.

Trước khi dỡ bỏ trần tỷ giá hối đoái, Tổng thống Macri cũng đã quyết định giảm và miễn thuế xuất khẩu đối với một số mặt hàng nông nghiệp và công nghiệp nhằm thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng và thu hút ngoại tệ.

Giới phân tích nhận định việc thả nổi tỷ giá hối đoái mặc dù là “một liều thuốc” cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song có nguy cơ khiến đồng nội tệ peso bị phá giá mạnh, kéo theo lạm phát gia tăng và ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Hiện nền kinh tế Argentina vẫn đang đối mặt với tình trạng giảm tốc, với tỷ lệ lạm phát dự báo sẽ tăng lên hơn 25% trong năm nay và có thể hơn mức 35% trong năm tới trong trường hợp đồng nội tệ bị mất giá mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục