ASEAN cam kết tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực

Trong trung hạn, triển vọng kinh tế ASEAN vẫn vững chắc, nhờ nhu cầu nội địa tiếp tục tăng, đặc biệt trong tiêu thụ và đầu tư cơ sở hạ tầng của khu vực tư nhân.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. (Ảnh: Lê Hải/Vietnam+)

Chiều 27/2, Hội nghị hẹp Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 20 đã kết thúc sau hai ngày nhóm họp tại Singapore, dưới sự chủ trì của ông Kan Zaw, Bộ trưởng Kế hoạch và Phát triển Kinh tế Quốc gia Myanmar - nước đang giữ chức Chủ tịch ASEAN.

Trong hai ngày nhóm họp, các bộ trưởng ASEAN đã tập trung thảo luận về các vấn đề kinh tế khu vực, xác định những ưu tiên trong năm 2014 để hướng tới mục tiêu thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và để kết thúc quá trình đàm phán hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm 2015.

Theo các bộ trưởng, trong trung hạn, triển vọng kinh tế ASEAN vẫn vững chắc, nhờ nhu cầu nội địa tiếp tục tăng, đặc biệt trong tiêu thụ và đầu tư cơ sở hạ tầng của khu vực tư nhân.

Xuất khẩu trong hai năm tới của ASEAN có thể đóng góp nhiều hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế khu vực.

Tuy nhiên, vẫn có một số nguy cơ thụt lùi, như luồng vốn chảy ra ngoài khu vực, trượt giá tiền tệ mạnh, áp lực lạm phát nảy sinh và các điều kiện tài chính bị thắt chặt có thể làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế.

Chính vì thế, các bộ trưởng xác định duy trì nền tảng kinh tế vĩ mô linh hoạt của ASEAN là điểm mấu chốt để đối phó nguy cơ. Hội nhập kinh tế sâu hơn cũng sẽ giúp tăng cường đầu tư và thương mại cũng như phát triển trong khu vực.

Các bộ trưởng cũng thảo luận và thống nhất một số ưu tiên của AEC trong năm 2014 như thực thi Khuôn khổ ASEAN vì phát triển kinh tế cân bằng; tăng cường hợp tác khu vực để phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; và phát triển một khuôn khổ khu vực cho quan hệ đối tác công-tư.

Ngoài ra, các bộ trưởng lưu ý rằng đã đạt được tiến triển tốt trong quá trình đàm phán RCEP hiện nay.

Bên cạnh thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, hiện các cuộc đàm phán đã được khởi động trong những lĩnh vực như bản quyền trí tuệ, cạnh tranh, hợp tác kinh tế và kĩ thuật, và cơ chế giải quyết tranh chấp.

Các bộ trưởng nhất trí tầm quan trọng của việc duy trì động lực đàm phán nhằm đảm bảo kết thúc đàm phán RCEP thành công vào cuối năm 2015.

Dự kiến trong năm 2014, ASEAN sẽ ký một số thỏa thuận dịch vụ và đầu tư với Nhật Bản và Ấn Độ để làm sâu sắc hơn nữa quá trình hội nhập thị trường.

Các bộ trưởng cũng bày tỏ sự ủng hộ và hợp tác mạnh mẽ với Myanmar - nước đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN lần đầu tiên kể từ khi gia nhập năm 1997.

Các bộ trưởng hoan nghênh Gói thỏa thuận Bali đã đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới lần thứ 9 diễn ra hồi tháng 12/2013, ghi nhận gói thỏa thuận này là kết quả phù hợp với nhu cầu của tất cả các thành viên.

ASEAN cam kết thực thi nhanh chóng thỏa thuận thuận lợi hóa thương mại đạt được tại hội nghị này, được cho sẽ thúc đẩy các sáng kiến đang được thực thi trong khu vực để đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho dòng hàng hóa qua biên giới và đảm bảo tính chắc chắn cho doanh nghiệp.

Các bộ trưởng nhấn mạnh mục tiêu 2015 không phải thời hạn chót để kết thúc các sáng kiến nhằm hiện thực hóa mục tiêu AEC.

Thay vào đó, việc theo đuổi hội nhập thị trường sâu sắc và mở rộng cần phải được tiếp tục sau năm 2015, để duy trì tính linh hoạt và sự phát triển kinh tế khu vực cũng như củng cố vai trò của ASEAN ở Đông Á và kinh tế toàn cầu.

Các bộ trưởng ủng hộ quyết định thành lập tổ công tác của nhóm chuyên gia cấp cao về Hội nhập Kinh tế ASEAN (HLTF-EI) nhằm dự thảo một khuôn khổ cho hội nhập kinh tế ASEAN trong 10 năm tiếp theo (AEC 2016-2025)./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục