ASEAN đẩy mạnh hợp tác chia sẻ nguồn lực đảm bảo an ninh năng lượng

Tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng các nước ASEAN lần thứ 36 ở Singapore, các Bộ trưởng cam kết ASEAN sẽ đẩy mạnh hợp tác và chia sẻ nguồn lực đảm bảo an ninh năng lượng.
Các Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách năng lượng 10 nước ASEAN cùng Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi (thứ hai bên phải). (Ảnh: Mỹ Bình/Vietnam+)

Các nước trong khu vực ASEAN sẽ đẩy mạnh hợp tác và chia sẻ nguồn lực đảm bảo an ninh năng lượng thông qua việc mở rộng kết nối lưới điện cũng như phát triển năng lượng tái tạo.

Đây là cam kết được các Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách năng lượng của 10 nước thành viên ASEAN thống nhất tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng các nước ASEAN lần thứ 36 và các Hội nghị liên quan tổ chức tại Singapore từ ngày 25-29/10.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các tổ chức quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm trong việc hoạch định chính sách và ban hành các quyết định thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo hơn nữa đồng thời hội nhập sâu, rộng vào hệ thống liên kết năng lượng của khu vực với mục tiêu vì một ASEAN xanh hơn, sử dụng năng lượng thông minh và hiệu quả hơn.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Singapore Chan Chun Sing nhấn mạnh mục tiêu đặt ra của các nước ASEAN là đảm bảo việc tiếp cận năng lượng giá cả phải chăng, bền vững và đáng tin cậy cho tất cả mọi người.

Điều này là một thách thức không nhỏ khi mà ASEAN là một khu vực đang phát triển đầy sôi động và được dự báo là nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030; trong đó năng lượng là rất cần thiết cho nhiều lĩnh vực và góp phần quan trọng để duy trì tăng trưởng kinh tế và cải thiện cuộc sống.

Hiện tại, mặc dù đầu tư cho lĩnh vực năng lượng ở khu vực đã tăng khoảng 60% trong vòng 15 năm qua, song theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu này sẽ tiếp tục tăng mạnh vào năm 2040.

[ASEAN có thể dẫn dắt tiến trình phát triển bền vững?]

Các giải pháp sáng tạo cũng được cho là vô cùng cần thiết để cung cấp năng lượng trên toàn khu vực, bởi thống kê cho thấy khoảng 65 triệu người ở Đông Nam Á hiện vẫn chưa được sử dụng điện.

Chính vì vậy, Bộ trưởng Chan Chun Sing cho rằng bên cạnh sự nỗ lực của từng quốc gia thì việc tăng cường hợp tác nội khối cũng như với các đối tác đối thoại, các tổ chức quốc tế như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) về đầu tư năng lượng và tài chính cơ sở hạ tầng sẽ hỗ trợ nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của khu vực và làm cho ASEAN trở thành một thị trường hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Tại hội nghị, các thành viên ASEAN nhất trí tăng thêm các dự án kết nối lưới điện để giúp tăng gấp đôi công suất trao đổi điện ở mức hiện tại từ 5.200 MW lên 10.800 MW vào năm 2020 và tăng lên hơn 16.000 MW sau năm 2020.

Giai đoạn 1 của dự án trao đổi điện đa phương đầu tiên trong ASEAN giữa Lào, Thái Lan, Malaysia đã chính thức thực hiện từ tháng 1/2018 và đến nay đã đạt 15,97 GWh.

Các nước ASEAN cũng chính thức ký biên bản ghi nhớ với IRENA về phát triển năng lượng tái tạo đồng thời thông qua Chương trình hành động thực hiện Biên bản ghi nhớ này, tạo điều kiện hỗ trợ ASEAN sớm đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo lên mức 23% vào năm 2030.

Bên cạnh đó, các bộ trưởng cũng thống nhất tăng cường hợp tác năng lượng với các đối tác bao gồm các quốc gia và các tổ chức năng lượng quốc tế để ASEAN có được sự đảm bảo về an ninh năng lượng, đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho người dân cũng như chuyển dịch năng lượng hướng tới sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn trong khu vực.

Các Bộ trưởng ghi nhận những kết quả nổi bật trong hợp tác năng lượng ASEAN, như cường độ năng lượng khu vực năm 2016 đã giảm 21,9% so với năm 2005, vượt mục tiêu ban đầu của ASEAN là giảm 20% vào năm 2020 và 30% vào năm 2030.

Tỷ lệ năng lượng tái tạo đạt mức 12,4% trong tổng cơ cấu các nguồn năng lượng của ASEAN.

Liên kết đường ống dẫn khí ASEAN đạt tổng chiều dài đường ống kết nối 6 quốc gia (Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và Việt Nam) là 3.673km và trong khu vực đã có 8 trung tâm khí hóa LNG với tổng công suất là 36,3 triệu tấn/năm. 

Ghi nhận các nỗ lực này, 63 giải thưởng năng lượng ASEAN năm 2018 đã được trao cho các doanh nghiệp, tổ chức thuộc lĩnh vực hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo và các cá nhân tiêu biểu.

Ngay sau Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng các nước ASEAN lần thứ 36, nước chủ nhà Singapore đã tổ chức Tuần lễ Năng lượng quốc tế lần thứ 11 (SIEW) với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, giới chuyên gia cùng đông đảo các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng để chia sẻ chiến lược phát triển hiện tại cũng như bàn biện pháp thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo, hợp tác nhằm giải quyết những thách thức về năng lượng mà khu vực đang phải đối mặt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục