ASEAN tăng nỗ lực để đảm bảo nguồn cung lương thực đầy đủ, liên tục

Hội nghị AMAF 44 kêu gọi các nước ASEAN và các đối tác thực hiện các hành động ưu tiên trong Khuôn khổ An ninh lương thực tích hợp ASEAN; Kế hoạch Hành động chiến lược về an ninh lương thực ASEAN.
Các Bộ trưởng tham dự Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 44 với hình thức trực tuyến. (Nguồn: asean.org)

Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm nghiệp ASEAN (AMAF) lần thứ 44 tiếp tục bày tỏ quan ngại về tác động của đại dịch COVID-19 tới các lĩnh vực thực phẩm và nông lâm nghiệp, đồng thời nhất trí nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện các biện pháp phục hồi để đảm bảo nguồn cung lương thực đầy đủ và liên tục.

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á, hội nghị ghi nhận tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chính trong lĩnh vực thực phẩm và nông lâm nghiệp vào năm 2022 và thông qua 12 nội dung ưu tiên trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp vào năm 2023.

Hội nghị kêu gọi các nước ASEAN, các đối tác và các bên liên quan khác hợp tác với Ban Thư ký ASEAN để xác định và thực hiện các hành động ưu tiên trong Khuôn khổ An ninh lương thực tích hợp ASEAN (AIFS) và Kế hoạch Hành động chiến lược về an ninh lương thực ASEAN (SPA-FS) 2021-2025.

Hội nghị đánh giá cao nỗ lực và kết quả đạt được của các cơ quan ASEAN trong việc hài hòa hóa các tiêu chuẩn, cũng như xây dựng các hướng dẫn nhằm hỗ trợ tạo thuận lợi cho thương mại sản phẩm nông nghiệp trong khu vực.

Hội nghị ghi nhận nỗ lực của Ban Thư ký ASEAN trong việc hỗ trợ AMAF nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong các lĩnh vực thực phẩm và nông lâm nghiệp, thông qua việc phát triển các chính sách khu vực như Hướng dẫn nông nghiệp bền vững ASEAN, Tài liệu tham khảo về sử dụng hóa chất nông nghiệp, Nghiên cứu về các giải pháp dựa vào thiên nhiên.

Hội nghị nhất trí xây dựng Tuyên bố chung kêu gọi các hành động phối hợp nhằm ngăn chặn, tiến tới loại bỏ việc sử dụng các hóa chất nông nghiệp độc hại bị cấm trong khu vực và thúc đẩy các giải pháp thay thế an toàn và bền vững hơn; hoan nghênh việc xây dựng Chiến lược trung hòa carbon ASEAN, qua đó giúp các nước thành viên đẩy nhanh các nỗ lực nhằm đáp ứng các mục tiêu trung hòa carbon, đồng thời mong muốn sớm triển khai thực tế Chiến lược giảm phát thải carbon trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.

Hội nghị thông qua Hướng dẫn chia sẻ, tiếp cận và sử dụng thông tin liên quan đến các các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), trong đó đặt ra các nguyên tắc chia sẻ thông tin chung nhằm hỗ trợ hoạt động của Mạng lưới chống IUU của ASEAN.

Hội nghị cũng thông qua Chiến lược ASEAN về ngăn ngừa các bệnh lây truyền từ động vật hoang dã qua các hoạt động buôn bán và nhất trí đệ trình Chiến lược này lên Hội nghị Cấp cao ASEAN.

[WTO kêu gọi cải cách các quy định về thương mại nông nghiệp]

AMAF lần thứ 44 được tổ chức trực tuyến vào ngày 25/10 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nông lâm nghiệp Lào Phet Phomphiphak. Theo kế hoạch, AMAF lần thứ 45 sẽ diễn ra vào năm tới tại Malaysia.

Tiếp sau AMAF lần thứ 44, Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm nghiệp ASEAN-Ấn Độ lần thứ 7 đã được tổ chức vào ngày 26/10 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nông lâm nghiệp Lào Phet Phomphiphak và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phúc lợi nông dân Ấn Độ Shri Narendra Singh Tomar.

Thu hoạch lúa tại Vĩnh Long, Việt Nam. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Hội nghị tái khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác ASEAN-Ấn Độ trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, góp phần quan trọng vào việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ và hỗ trợ các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Hội nghị cũng tái khẳng định cam kết tiếp tục nỗ lực thực hiện các biện pháp phục hồi hậu đại dịch nhằm giải quyết các tác động chưa từng có của đại dịch COVID-19 thông qua việc đảm bảo dòng chảy nông sản an toàn và dinh dưỡng không bị cản trở trong khu vực ASEAN và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, hội nghị ghi nhận những tiến bộ trong Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ, thông qua việc triển khai các chương trình và hoạt động trên 3 trụ cột Cộng đồng ASEAN, dựa vào Kế hoạch hành động hiện tại nhằm thúc đẩy Quan hệ đối tác ASEAN-Ấn Độ vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng giai đoạn 2021-2025, và chào mừng kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ASEAN-Ấn Độ.

Các đại biểu cũng ghi nhận những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch hành động trung hạn về hợp tác nông lâm nghiệp ASEAN-Ấn Độ giai đoạn 2021-2025.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hơn nữa và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu; thúc đẩy nông nghiệp bền vững, thích ứng với khí hậu; và quản lý đất bền vững.

Theo kế hoạch, Hội nghị Bộ trưởng Nông lâm nghiệp ASEAN-Ấn Độ lần thứ 8 sẽ được tổ chức vào năm 2024./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục