Australia: Cơ hội hiện thực hóa mục tiêu cường quốc xanh

Kết quả kiếm phiếu sơ bộ vào cuối ngày bầu cử quốc hội liên bang 21/5 cho thấy Công đảng Australia đã giành được quyền thành lập chính phủ mới ở nước này, với 72 ghế trong tổng số 151 ghế Hạ viện.
Lãnh đạo Công đảng, ông Anthony Albanese (Nguồn:Aljazeera)

Kết quả kiếm phiếu sơ bộ vào cuối ngày bầu cử quốc hội liên bang 21/5 cho thấy Công đảng Australia (ALP) đã giành được quyền thành lập chính phủ mới ở nước này, với 72 ghế trong tổng số 151 ghế Hạ viện, trong khi liên đảng Tự do - Quốc gia mới chỉ giữ được chưa đến 60 ghế.

Với kết quả trên, lãnh đạo Công đảng, ông Anthony Albanese sẽ trở thành tân thủ tướng của Australia trong 3 năm tới, tuy vẫn phải chờ thêm vài ngày nữa để ông có thể chính thức tuyên bố thành lập chính phủ đa số hay một chính phủ thiểu số với sự tham gia của đảng Xanh và các nghị sỹ độc lập nếu không giành được thêm ít nhất 5 ghế nữa trong Hạ viện.

Trong bài phát biểu mừng chiến thắng, ông Albanese tuyên bố chính phủ của ông sẽ xứng đáng với lựa chọn của cử tri Australia, những người đang mong muốn có sự thay đổi, và khẳng định chính phủ mới sẽ sớm bắt tay ngay vào việc điều hành đất nước.

Cũng trong bài phát biểu, lãnh đạo Công đảng nhắc lại những cam kết đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử nhằm đem lại một tương lai tốt đẹp hơn cho Australia, bao gồm đẩy mạnh ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, đưa Australia trở thành “siêu cường về năng lượng sạch,” củng cố hệ thống chăm sóc y tế và cải thiện dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.

Trong bản kế hoạch ngân sách công bố trước thềm cuộc bầu cử, Công đảng cho biết nếu giành chiến thắng, một chính phủ mới của Công đảng sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực đầu tư cơ bản: cải tạo hệ thống dịch vụ trông giữ trẻ, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục đại học, tăng cường cơ sở hạ tầng, sản xuất trong nước và các sáng kiến năng lượng sạch.

Trước đó, trong chiến dịch tranh cử kéo dài 6 tuần, để thu hút sự quan tâm và ủng hộ của cử tri Australia, ông Albanese đã đưa ra một loạt các hứa hẹn và cam kết quan trọng trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý là các cam kết trị giá nhiều tỷ AUD cho các dự án nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ y tế tư nhân, giảm tải cho bệnh viện công, đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người già, đổi mới hệ thống trông giữ trẻ để giảm chi phí cho các gia đình.

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Công đảng đưa ra kế hoạch mở rộng đào tạo kỹ năng nghề tại các trường đại học, bao gồm đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu của các ngành năng lượng mới, cải thiện cơ sở vật chất cho các trường phổ thông, nâng cao chất lượng dạy học và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp giỏi.

Về kinh tế, Công đảng sẽ chú trọng vào việc tăng cường khả năng chống chịu và tự lực của nền kinh tế quốc gia, nhất là liên quan đến các chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như tập trung giải quyết những khó khăn mà người dân đang phải đối mặt như lạm phát, chi phí sinh hoạt và giá nhà ở tăng cao, với cam kết ủng hộ việc tăng lương cơ bản theo kịp với tốc độ lạm phát, hiện đang ở mức 5,1%, triển khai chương trình hỗ trợ người dân có thể sở hữu nhà ở thông qua chính sách chính phủ đóng góp 30% đến 40% tiền mua nhà và tài trợ phát triển các dự án nhà ở xã hội.

Trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, Công đảng cam kết thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng ở Australia xuống 0 vào năm 2050 nhưng với một lộ trình tham vọng hơn là giảm 43% mức phát thải ròng quốc gia vào năm 2030.

Một nhà máy công nghiệp tại Australia. (Nguồn: Environmental Justice Australia)

Các biện pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu này bao gồm thúc đẩy năng lượng tái tạo, với trọng tâm là cam kết chi tiêu 20 tỷ AUD (14 tỷ USD) cho việc cải tạo và hiện đại hóa hệ thống điện quốc gia, và khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng ôtô điện.

Về lĩnh vực an ninh - quốc phòng và đối ngoại, Công đảng ủng hộ việc tăng chi tiêu cho quốc phòng, hiện đang ở mức 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và sở hữu đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng với Mỹ và Anh (AUKUS).

Công đảng cũng cam kết làm sâu sắc hơn các quan hệ đối tác trong khu vực và trên thế giới. Các sáng kiến cụ thể bao gồm tăng viện trợ nước ngoài cho các quốc đảo Thái Bình Dương và Timor Leste, vào khoảng 525 triệu AUD trong vòng 4 năm.

Đáng chú ý, đối với khu vực Đông Nam Á, Công đảng đã công bố một loạt các sáng kiến hợp tác mới như chỉ định một đặc phái viên với tư cách là đại sứ cấp cao để làm việc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nước thành viên nhằm phát triển mối quan hệ bền chặt hơn.

[Nhà lãnh đạo mới của Australia sẽ tham dự Hội nghị Nhóm "Bộ tứ"]

Chính phủ mới của Công đảng cũng sẽ tăng viện trợ nước ngoài chính thức cho Đông Nam Á lên 470 triệu AUD, phát triển chiến lược kinh tế ASEAN và triển khai chương trình học ngoại ngữ trong nước cho sinh viên và doanh nhân Australia tại Việt Nam.

Ngoài ra, Công đảng có kế hoạch loại bỏ chương trình thị thực nông nghiệp với các nước ASEAN mà chính phủ tiền nhiệm áp dụng và thay vào đó thiết lập một loại thị thực nông nghiệp mới trong chương trình Di chuyển Lao động Australia -Thái Bình Dương (PALM) hiện có.

Theo giới chuyên gia, trong thời gian tới, Công đảng sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Nền kinh tế cần có những cải cách mới để tạo động lực cho việc nhanh chóng phục hồi và phát triển sau quãng thời gian khó khăn do đại dịch COVID-19.

Nợ quốc gia đang ở mức kỷ lục trong khi lạm phát, lãi suất đang tăng cao, đồng lương và năng suất trì trệ. Mặt khác, Australia đang bị chia rẽ về nhiều vấn đề xã hội như bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, trong trường hợp phải thành lập chính phủ thiểu số, mặc dù đã loại trừ việc sửa đổi mục tiêu biến đổi khí hậu của mình, thủ tướng sắp tới của Australia cũng sẽ phải thảo luận và thương lượng thêm với các nghị sỹ đảng Xanh và nghị sỹ độc lập trong Hạ viện về các chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục