Australia: Khói cháy rừng khiến nhiều người nhập viện vì bệnh tim phổi

Các hạt khói nhỏ đã kích hoạt phản ứng miễn dịch tương tự như chống lại nhiễm trùng ở những người mắc các bệnh mãn tính tiềm ẩn như hen suyễn hoặc bệnh tim.
Màn khói dày đặc từ các đám cháy rừng bao phủ thị trấn Bemboka, bang New South Wales, Australia ngày 5/1/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, ngày 26/5, Phó Giáo sư Fay Johnston, chuyên gia về sức khỏe môi trường từ Đại học Tasmania cho biết các đám cháy rừng xảy ra tại nước này trong mùa hè 2019-2020 đã làm khoảng 440 người chết và hơn 4.000 người phải nhập viện vì các vấn đề về tim, phổi và bệnh hen suyễn.

Ngoài ra, 80% người dân Australia bị ảnh hưởng bởi khói từ các đám cháy rừng kéo dài trong sáu tháng, kể từ tháng 8/2019, ở 6 bang trên khắp Australia.

Báo cáo tại phiên điều trần của Ủy ban Hoàng gia Australia về nguyên nhân thảm họa cháy rừng, Phó Giáo sư Fay Johnston cho biết khói từ các đám cháy rừng đã gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn nhiều so với những ảnh hưởng sức khỏe từ chính các đám cháy.

[Chú chó anh hùng giải cứu gấu koala trong thảm họa cháy rừng Australia]

Các hạt khói nhỏ đã kích hoạt phản ứng miễn dịch tương tự như chống lại nhiễm trùng ở những người mắc các bệnh mãn tính tiềm ẩn như hen suyễn hoặc bệnh tim có thể gây “bệnh nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong” ở những người này.

Tổng chi phí y tế cho mùa cháy rừng 2019-20 là 2 tỷ AUD (1,3 tỷ USD), cao gấp bốn lần so với mùa cháy rừng nghiêm trọng thứ hai xảy trong năm 2002-2003.

Thảm họa cháy rừng tại Australia đã kéo dài suốt nhiều tháng kể từ tháng 8/2019 và mới kết thúc vào tháng 2/2020.

Các vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi khoảng 7,4 triệu hécta rừng ôn đới và thải ra 830 triệu tấn carbon dioxide vào khí quyển, gần gấp đôi lượng khí thải hàng năm từ các ngành năng lượng, công nghiệp và giao thông của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục