Bộ trưởng Quốc phòng Australia Peter Dutton ngày 16/9 cho biết Australia và Mỹ đã đạt các thỏa thuận mới về bố trí lực lượng, theo đó sẽ tăng cường hợp tác trên không thông qua các hoạt động triển khai luân phiên tất cả các loại máy bay quân sự của Mỹ đến Australia.
Ông Dutton đưa ra phát biểu trên với báo giới sau cuộc tham vấn thường niên lần thứ 31 giữa các bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng ngoại giao Australia và Mỹ.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia nêu rõ hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác trong việc bố trí lực lượng, khả năng tương tác cũng như làm sâu sắc thêm các hoạt động liên minh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác trên không thông qua việc triển khai luân phiên tất cả các loại máy bay quân sự của Mỹ đến Australia.
Bên cạnh đó, hai bên cũng đã thiết lập hệ thống kết hợp năng lực hậu cần để hỗ trợ các hoạt động tăng cường, trong đó có hậu cần cho tàu ngầm ở Australia.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định hai bên đã nhất trí các sáng kiến về bố trí lực lượng chính, theo đó sẽ mở rộng khả năng tiếp cận và hiện diện của binh lính Mỹ tại Australia.
Đề cập quan hệ đối tác an ninh 3 bên giữa Australia, Anh và Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, có tên gọi AUKUS, được công bố ngày 15/9 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Australia khẳng định các quyết định của nước này liên quan tới tàu ngầm dựa trên lợi ích tốt nhất cho an ninh quốc gia.
Trong khuôn khổ AUKUS, Mỹ và Anh sẽ cung cấp cho Australia công nghệ và năng lực triển khai các tàu ngầm hạt nhân.
[Quân đội Mỹ thử thành công tên lửa đánh chặn phóng từ đất liền]
Động thái trên đã vấp phải phản ứng của Pháp - nước đã có một thỏa thuận cung cấp tàu ngầm trị giá 66 tỷ USD với Australia nhưng thỏa thuận đã bị hủy.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly đã bày tỏ lấy làm tiếc trước việc Canberra rút khỏi thỏa thuận tàu ngầm này sau AUKUS. Pháp cũng đã hủy một buổi tiệc tại nhà riêng của Đại sứ nước này ở Washington, dự kiến diễn ra trong ngày 17/9.
Nhằm trấn an đồng minh phương Tây này, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington hoan nghênh các quốc gia châu Âu đóng vai trò quan trọng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định Pháp là một đối tác quan trọng của Mỹ. Ông Blinken cho biết đã liên lạc với giới chức Pháp trong 2 ngày qua.
Trong khi đó, một quan chức Nhà Trắng cho biết Pháp và Mỹ đã có các cuộc đàm phán cấp cao với Australia về việc mua tàu ngầm hạt nhân trước khi AUKUS được công bố.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, quan chức trên nêu rõ giới chức Mỹ đã liên hệ với những người đồng cấp Pháp để thảo luận về AUKUS trước khi thông báo về thỏa thuận đối tác 3 bên này, đồng thời nhấn mạnh Washington luôn hợp tác chặt chẽ với Paris về những ưu tiên chung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục làm như vậy.
Đề cập phản ứng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng AUKUS làm gia tăng chạy đua vũ trang và gây tổn hại hòa bình khu vực cũng như nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh: “Thỏa thuận này không nhằm vào bất cứ điều gì hoặc bất kỳ ai, mục đích là cải thiện hợp tác ba bên và năng lực của chúng tôi."
Phát biểu trước Quốc hội Anh, Thủ tướng nước này Boris Johnson khẳng định: "AUKUS không nhằm đối địch với bất kỳ cường quốc nào, nó phản ánh mối quan hệ chặt chẽ giữa nước Anh với Mỹ và Australia, các giá trị chung và mức độ tin cậy giữa ba nước."
Liên quan vấn đề trên, Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 16/9 cho biết khả năng thu thập thông tin tình báo của Canada không suy giảm khi nước này không tham gia AUKUS. Ông Trudeau nhấn mạnh Canada vẫn nằm trong cộng đồng chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes.
Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, nhà lãnh đạo Canada cho biết AUKUS là một "thỏa thuận về tàu ngầm hạt nhân."
Sáng kiến chính đầu tiên của thỏa thuận là chuyển giao một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia. Tuy nhiên, các tàu ngầm sẽ không được trang bị vũ khí hạt nhân, mà được trang bị vũ khí thông thường./.