Ngày 21/11, cố vấn Tổng thống Azerbaijan Hikmet Hajiyev nêu rõ nước này mong muốn đàm phán hòa bình song phương với Armenia, đồng thời bày tỏ tin tưởng hai bên có thể nhanh chóng đạt được thỏa thuận mà không cần có sự trung gian của phương Tây.
Trả lời phỏng vấn báo giới, cố vấn Hajiyev khẳng định chỉ cần có thiện chí, các nguyên tắc cơ bản của thỏa thuận hòa bình sẽ sớm được vạch ra trong thời gian ngắn, đồng thời bác bỏ sự hỗ trợ của phương Tây trong đàm phán hòa bình.
Trước đó, vào ngày 18/11, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan xác nhận hai bên đã thống nhất các nguyên tắc hòa bình cơ bản về tiến trình hòa bình Armenia-Azerbaijan.
Armenia nỗ lực nhằm ký thỏa thuận hòa bình với Azerbaijan
Thủ tướng Armenia nhấn mạnh trong thời gian tới cần làm rõ những vấn đề then chốt giữa Armenia và Azerbaijan, trong đó có việc thiết lập các đảm bảo an ninh để ngăn chặn mọi nguy cơ leo thang.
Ông Pashinyan nêu rõ: “Theo nguyên tắc đầu tiên, Armenia và Azerbaijan công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau trên cơ sở hiểu rằng lãnh thổ của Armenia là 29.800km2, lãnh thổ của Azerbaijan là 86.600km2.”
Nguyên tắc thứ hai nêu rõ cơ sở chính trị để phân định biên giới giữa Armenia và Azerbaijan là Tuyên bố Alma-Ata năm 1991.
Nguyên tắc hòa bình thứ ba với Azerbaijan là các liên lạc trong khu vực cần được mở lại dựa trên các nguyên tắc về chủ quyền, quyền tài phán, có đi có lại và bình đẳng giữa các quốc gia.
Trong những tuần gần đây, Armenia và Azerbaijan đều tuyên bố sẵn sàng ký thỏa thuận hòa bình nhằm khép lại hàng thập kỷ xung đột ở Nagorny-Karabakh - vùng núi nằm sâu trong lãnh thổ Azerbaijan nhưng có đa số dân sinh sống là người gốc Armenia và muốn sáp nhập vào nước này.
Ngày 19/9 vừa qua, Azerbaijan đã triển khai chiến dịch quân sự tại Nagorny-Karabakh. Một ngày sau đó, với vai trò trung gian của Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tại đây, đại diện Azerbaijan và lực lượng vũ trang người gốc Armenia tại vùng lãnh thổ này đã đạt được thỏa thuận chấm dứt các hành động thù địch, theo đó lực lượng người gốc Armenia đã đồng ý giải giáp./.