Ba chỉ số chứng khoán Phố Wall đều xác lập kỷ lục trong quý 1

Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ có một tuần khởi sắc với cả ba chỉ số tăng ít nhất 1%; trong đó chỉ số S&P 500 tăng 13,1%, ghi nhận quý tăng mạnh nhất kể từ năm 2009.
Các giao dịch viên tại một sàn giao dịch chứng khoán New York của Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ có một tuần khởi sắc với cả ba chỉ số tăng ít nhất 1%.

Đáng chú ý, khép lại quý 1 này, chỉ số S&P 500 tăng 13,1%, ghi nhận quý tăng mạnh nhất kể từ năm 2009; chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 11,2%, quý tăng mạnh nhất kể từ năm 2013; còn chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 16,5%, quý tăng mạnh nhất kể từ năm 2012.

Trong phiên đầu tuần (25/3) vừa qua, chứng khoán Mỹ biến động trái chiều giữa bối cảnh có nhiều yếu tố địa chính trị bất lợi đối với thị trường.

Phiên đầu tuần không mấy tươi sáng của Phố Wall được cho một phần là vì chưa có thêm những thông tin mới xung quanh quá trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi thị trường đã đặt cược rất nhiều vào cuộc đàm phán này kể từ đầu năm tới nay.

Sang phiên ngày 26/3 vừa qua, thị trường chứng khoán phục hồi trở lại, nhờ hoạt động mua vào của giới đầu tư, bất chấp số liệu đáng thất vọng về hoạt động xây dựng và niềm tin tiêu dùng ở Mỹ.

Tuy nhiên, đến phiên giao dịch ngày 27/3 vừa qua, Phố Wall quay đầu giảm mạnh khi thị trường vẫn “ám ảnh” về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong tương lai.

Các nhà đầu tư đã và đang xem xét cẩn thận sự giảm mạnh của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm trong vài phiên gần đây - chỉ dấu cho thấy nền kinh tế nước này yếu đi trong trung và dài hạn.

Đến phiên giao dịch ngày 28/3 vừa qua, Phố Wall đảo chiều đi lên nhờ đà phục hồi của lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ sau vài phiên lao dốc mạnh.

Các nhà giao dịch cho biết tâm lý của giới đầu tư cải thiện đáng kể trong phiên này khi lợi suất trái phiếu của Chính phủ Mỹ phục hồi.

Sự sụt giảm của lãi suất trái phiếu kéo dài nhiều ngày từ tuần trước đã dấy lên quan ngại về khả năng nền kinh tế số một thế giới rơi vào suy thoái.

[Chứng khoán Mỹ đi xuống do lo ngại nền kinh tế suy giảm]

Khép lại phiên cuối tuần (29/3), chứng khoán Mỹ ngập trong sắc xanh, nhờ tâm lý lạc quan của thị trường về triển vọng đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 211,22 điểm (0,82%) lên 25.928,68 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 18,96 điểm (0,67%) lên 2.834,4 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 60,16 điểm (0,78%) lên 7.729,32 điểm.

Sau vòng đàm phán mới nhất nhằm giải quyết cuộc chiến thuế quan gây nhiều tổn hại, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 29/3 tuyên bố các nhà đàm phán Mỹ đang đạt được "tiến triển lớn" với Trung Quốc.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho biết vòng đàm phán thương mại mới giữa nước này và Trung Quốc đã diễn ra khá thuận lợi.

Dự kiến, vòng đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức ở thủ đô Washington của Mỹ vào tuần tới.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến tới thủ đô Washington để tiếp tục các cuộc thảo luận quan trọng này.

Các nhà kinh tế nhận định triển vọng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đi đến hồi kết đã thúc đẩy lòng tin của giới đầu tư và hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán.

Theo các chuyên gia, hiện nay, thị trường đang chờ đợi các số liệu mới về tình hình kinh tế sẽ công bố vào tuần tới, sau những tín hiệu cảnh báo từ lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ.

Giữa những lo ngại về tình hình kinh tế Mỹ, tuần trước, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thông báo không tăng lãi suất trong năm nay.

Cố vấn Kudlow thậm chí còn cho rằng Fed nên “ngay lập tức” hạ lãi suất nửa điểm phần trăm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục