Ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton ngày 26/8 thừa nhận sử dụng địa chỉ thư điện tử (e-mail) cá nhân để giải quyết việc công trong suốt bốn năm giữ chức Ngoại trưởng không phải là "lựa chọn tốt nhất."
Trả lời báo giới trong một sự kiện tại bang Iowa, bà Clinton thừa nhận bà nên sử dụng đồng thời hai tài khoản e-mail riêng biệt. Nữ chính khách này khẳng định sẽ chịu trách nhiệm trước hành vi trên, song nhấn mạnh quá trình điều tra máy chủ và 55 trang thư điện tử mà bà đã giao nộp sẽ chứng minh rằng bà chưa từng trao đổi các thông tin mật thông qua tài khoản cá nhân.
Tuyên bố trên của bà Clinton được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo đã xác định được 305 thư điện tử từ địa chỉ cá nhân của ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ này trong thời gian bà đảm nhiệm chức Ngoại trưởng Mỹ thuộc diện cần điều tra vì có khả năng chứa thông tin tuyệt mật.
Theo bộ trên, số lượng trên được lọc ra từ khoảng 20% số thư điện tử của bà Clinton thuộc diện cần kiểm tra để quyết định có thể được công khai trước công chúng hay không.
Cùng ngày, hãng tin AP công bố một số tài liệu cho thấy hành vi trao đổi các thông tin mật bằng e-mail thông thường lại là một điều phổ biến trong hoạt động của Bộ Ngoại giao Mỹ. Theo đó, không chỉ bà Clinton mà các quan chức ngoại giao khác cũng thường xuyên gửi và nhận các thông tin mật bằng các tài khoản e-mail không được đảm bảo an ninh.
Hãng trên cho hay trong một số e-mail về vụ tấn công nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi ở Lybia, các quan chức bộ trên đã thảo luận về một số vấn đề nhạy cảm vào thời điểm đó, bao gồm việc di chuyển lực lượng dân quân của Lybia và vị trí của một số công dân Mỹ có vai trò quan trọng. Những bức thư này đã được công bố hồi năm ngoái theo Đạo luật Tự do thông tin và đã được đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao.
Trong khi đó, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George Bush, trong năm e-mail của cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice lúc đó cũng chứa một số nội dung được cho là khá nhạy cảm liên quan đến các thông tin mật về vấn đề an ninh quốc gia và chính phủ nước ngoài.
Theo luật sư Leslie McAdoo, người thường đại diện cho các quan chức chính phủ và các nhà thầu trong một số vấn đề tranh chấp liên quan đến các thông tin mật, nhận định việc trao đổi các thông tin dạng này qua e-mail thông thường là khá phổ biến trong nội bộ Bộ Ngoại giao Mỹ. Ông cho rằng một nguyên nhân khiến trường hợp của cựu Ngoại trưởng Clinton khác biệt là do bà đã chỉ gửi và nhận các e-mail bằng máy chủ ở nhà thay vì qua hệ thống thư điện tử thông thường của Bộ Ngoại giao.
Vụ bê bối liên quan đến việc không quản lý chặt chẽ những thông tin nhạy cảm của chính phủ khi sử dụng thư điện tử cá nhân để trao đổi các công việc của Bộ Ngoại giao Mỹ hiện đang ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của bà Clinton. Theo đó, bà Clinton đã dùng tài khoản e-mail cá nhân để giải quyết việc công trong suốt bốn năm làm Ngoại trưởng, thay vì dùng tài khoản e-mail chính thức do chính phủ cấp.
Tuy nhiên, nữ chính khách này trước đó luôn khẳng định không làm điều gì sai trái và nói rằng bà dùng tài khoản e-mail cá nhân cho "thuận tiện."
Hiện Bộ Ngoại giao cùng Thanh tra Chính phủ Mỹ và Cục Điều tra liên bang (FBI) vẫn đang cùng rà soát hàng nghìn thư điện tử của bà Clinton để xác định liệu các bức thư điện tử của cựu Ngoại trưởng Mỹ có chứa các dữ liệu liên bang và thông tin mật hay không./.