Ba cuộc khủng hoảng thế giới phải đối mặt trong năm 2020

Tạp chí World Politics Review đã dự đoán và phân tích 3 sự kiện quan trọng có thể tác động lớn đến bối cảnh thế giới trong năm 2020.
Một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bước sang năm 2020, hệ thống đa phương nhiều khả năng sẽ rơi vào khủng hoảng.

Tạp chí World Politics Review đã dự đoán và phân tích 3 sự kiện quan trọng có thể tác động lớn đến bối cảnh thế giới trong năm 2020.

Mười hai tháng sắp tới sẽ là thời gian quyết định xem liệu thế giới có đủ khả năng kiểm soát tình trạng phổ biến vũ khí hạt nhân, xử lý vấn đề biến đổi khí hậu và niềm tin đối với Liên hợp quốc có thể được khôi phục hay không.

Vấn đề hạt nhân

Trong số những nguy cơ tiềm ẩn mà loài người phải đối mặt, bóng ma chiến tranh hạt nhân vẫn là điều tồi tệ nhất.

Kể từ sau thảm kịch tại Hiroshima và Nagasaki năm 1945, thế giới dường như đã tạm thoát khỏi ám ảnh kinh hoàng về vũ khí hạt nhân.

Để có được điều này, ngoài những nỗ lực cảnh báo, răn đe và cả một chút may mắn, không thể không nhắc đến yếu tố quan trọng là Hiệp định Không Phổ biến Vũ khí hạt nhân (NPT).

Tuy nhiên, 50 năm kể từ ngày NPT có hiệu lực, những quan ngại về vũ khí hạt nhân giờ đây lại gia tăng.

NPT dựa trên 3 nguyên tắc trụ cột là không phổ biến, giải trừ quân bị và quyền sử dụng công nghệ hạt nhân cho mục đích hòa bình.

Tuy nhiên, những nguyên tắc này đang bị xói mòn bởi các cường quốc hạt nhân không ngừng tối tân hóa các loại vũ khí, các nước mới sản xuất năng lượng hạt nhân liên tục mở rộng hoạt động, trong khi các nước không sản xuất vũ khí hạt nhân cũng đang cân nhắc việc tham gia cuộc chạy đua này trong bối cảnh những tiến bộ về công nghệ không gian vũ trụ ngày càng khiến những nỗ lực ngăn chặn vũ khí hạt nhân thêm khó khăn.

Cuộc cạnh tranh hạt nhân ngày càng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan, sự khiêu khích hạt nhân không ngừng nghỉ của Triều Tiên cũng như việc Mỹ rút khỏi cả Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) lẫn thỏa thuận hạt nhân Iran đã khiến nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân ngày càng gia tăng.

Bên trong cơ sở làm giàu urani Fordow ở Qom, miền Bắc Iran ngày 6/11/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nước tham gia NPT tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm một lần, và cuộc họp gần nhất dự kiến diễn ra từ ngày 27/4-29/5/2020, sự kiện được cho là sẽ phô bày rõ nét hơn những rạn nứt và bất đồng giữa các quốc gia có và không sở hữu vũ khí hạt nhân.

Một nội dung cốt yếu của NPT là các nước sản xuất vũ khí hạt nhân phải tiến hành các bước nhằm giảm dần tầm quan trọng của những loại vũ khí này trên phạm vi quốc tế, song thực tế cho thấy vị trí địa chính trị của những nước nắm giữ vũ khí hạt nhân lại ngày càng gia tăng.

Quá thất vọng với việc các nước sản xuất vũ khí hạt nhân không tuân thủ trách nhiệm của họ theo Điều 6 NPT về việc "các bên phải tiến hành, thúc đẩy đàm phán có thiện chí nhằm đưa ra các biện pháp hữu hiệu nhằm chấm dứt chạy đua vũ trang, tiến tới giải trừ vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị hoàn toàn," một nhóm các nước không sản xuất vũ khí hạt nhân đã khởi xướng Hiệp định Cấm Vũ khí hạt nhân vào năm 2017.

Hiệp định mới này cần có 50 nước phê chuẩn mới có thể có hiệu lực và tính đến cuối tháng 11 năm 2019, đã có 34 nước phê chuẩn.

Mối lo môi trường

Số phận tầng sinh quyển Trái đất sẽ là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu năm tới và dự kiến sẽ có nhiều hội nghị quan trọng trên quy mô quốc tế để đàm phán các vấn đề về đại dương, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.

Từ ngày 23/3- 3/4/2020, các nước thành viên Liên hợp quốc sẽ nhóm họp để hoàn thiện nội dung công ước có tính ràng buộc pháp lý về bảo vệ "đa dạng sinh học biển ở những nơi không thuộc quyền kiểm soát của các quốc gia.”

Công ước (viết tắt là BBNJ) không được nhiều người biết đến nhưng lại rất ấn tượng về những mục tiêu đầy tham vọng và về phạm vi điều chỉnh của nó.

Công ước được đưa ra nhằm bảo tồn các loài sinh vật biển và các hệ sinh thái dưới nước nằm bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia, một khu vực trải rộng tới khoảng 50% diện tích bề mặt trái đất.

[Các nhà khoa học cảnh báo nguy cơ xảy ra cháy rừng thường xuyên]

BBNJ bao gồm các hướng dẫn cụ thể nhằm xác định các khu vực mới trên biển được bảo vệ, hạn chế đánh bắt cá vì mục đích thương mại, và chia sẻ nguồn lợi thủy hải sản.

Trong tháng 10/2020, các bên tham gia Công ước Đa dạng Sinh học - một thỏa thuận ký hồi đầu những năm 1990 - sẽ tham dự hội nghị ở Côn Minh (Trung Quốc) nhằm nỗ lực chấm dứt tình trạng biến mất môt cách đáng lo ngại các loài thực vật, động vật hoang dã và các hệ sinh thái trên khắp thế giới.

Tháng 5/2018, báo cáo về Đánh giá đa dạng sinh học và sinh thái của Liên hợp quốc cho thấy tỷ lệ các loài đối mặt nguy cơ tuyệt chủng cao hơn hàng nghìn lần so với tỷ lệ thải loại tự nhiên.

Tại hội nghị ở Côn Minh, các nước sẽ đưa ra giải pháp giúp làm chậm lại quá trình xói mòn đa dạng sinh học bằng việc thay thế các mục tiêu mà các bên tham gia ký kết đã phê chuẩn hồi năm 2010 bằng các cam kết mới đa phương mạnh mẽ hơn để bảo vệ môi trường từ nay đến năm 2030.

Các nước đã ký Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu sẽ tham dự COP 26 vào tháng 11/2020 ở Glasgow (Scotland).

Sau thất bại của Hội nghị COP 25 tại Madrid hồi đầu tháng này, COP 26 sẽ là cơ hội cuối cùng để cứu vãn Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Trước lộ trình mà Chính quyền Mỹ dưới thời Donald Trump đề ra cho việc chính thức rút khỏi Hiệp định Paris vào cuối năm tới, số phận hành tinh xanh nhiều khả năng sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra cùng thời điểm.

Cải tổ Liên hợp quốc

Năm 2020, Liên hợp quốc sẽ bước sang tuổi 75. Đại Hội đồng đã cũ kỹ, trong khi Hội đồng Bảo an bế tắc vì cạnh tranh địa chính trị và hàng loạt chia rẽ.

Việc nước Mỹ dưới thời ông Trump chuyển hướng tập trung theo đuổi chủ nghĩa dân tộc cũng khiến vị trí của Liên hợp quốc phần nào bị suy yếu.

Không còn có Mỹ đứng ở vị trí đầu tàu, Liên hợp quốc gặp nhiều khó khăn khi phải đương đầu với những nguy cơ mới, đặc biệt là chiến tranh trong không gian mạng, và giờ đây Liên hợp quốc phải chứng minh tính phù hợp và tầm quan trọng của mình trong một thế giới có quá nhiều tổ chức đa phương như G20 hay BRICS.

Nhằm chấn hưng sức mạnh của Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Antonio Guterres đã phát động kế hoạch "Đối thoại toàn cầu," hay UN75, với thời hạn một năm, nhằm thu thập ý kiến đóng góp của các nước thành viên và các tổ chức dân sự.

Nhiều người cho rằng tại sự kiện thường niên lớn nhất của Liên hợp quốc, kỳ họp Đại Hội đồng sẽ diễn ra vào tháng Chín theo thông lệ, Tổng Thư ký Guterres sẽ tìm kiếm sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo thế giới cho lộ trình phát triển Liên hợp quốc trong 25 năm tiếp theo, một nhiệm vụ được xem là khá khó khăn trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc dân túy đang ngày càng phổ biến như hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục