Hãng KBS ngày 25/1 dẫn thông tin từ Viện nghiên cứu Hải quân Mỹ (USNI) cho biết hồi cuối tuần trước, tàu sân bay Theodore Roosevelt (CVN-71) đã tiến vào khu vực tác chiến của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ.
Chiếc tàu sân bay này đã xuất hiện ở vùng biển Nam Thái Bình Dương, phía Đông Nam Nhật Bản.
Khu vực tác chiến của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ hiện có 3 tàu sân bay hạt nhân đang làm nhiệm vụ - gồm Ronald Reagan (CVN-76), Carl Vinson (CVN-70) và Theodore Roosevelt.
Năm 2017, khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6, Mỹ đã điều động 3 tàu sân bay tới Khu vực tác chiến Hàn Quốc (KTO), tiến hành tập trận chung với quân đội Hàn Quốc.
Lần này, mặc dù 3 tàu sân bay của Mỹ chưa tiến vào KTO, song sự kiện Washington cử thêm một tàu sân bay tới khu vực tác chiến của Hạm đội 7 bất chấp tình hình căng thẳng ở Trung Đông được cho là nhằm cảnh cáo động thái khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Ngày 25/1, Triều Tiên thông báo nước này đã lần đầu tiên phóng thử tên lửa hành trình chiến lược mới mang tên Pulhwasal-3-31, như một phần của các hoạt động "thường xuyên và bắt buộc" nhằm phát triển các hệ thống vũ khí uy lực.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết vụ phóng tên lửa nêu trên được thực hiện hôm 24/1, không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với sự an toàn của các nước láng giềng của Triều Tiên và không liên quan gì đến an ninh khu vực.
KCNA nhấn mạnh cuộc thử nghiệm là một quá trình cập nhật liên tục hệ thống vũ khí và là hoạt động “thường xuyên và bắt buộc” của Tổng cục Tên lửa cũng như các viện khoa học quốc phòng trực thuộc.
Đây là vụ phóng tên lửa hành trình đầu tiên được biết đến của Triều Tiên kể từ tháng 9/2023, khi nước này phóng thử 2 tên lửa hành trình chiến lược tầm xa mang đầu đạn hạt nhân giả hướng ra Hoàng Hải./.
Mỹ khẳng định duy trì hệ thống phòng thủ “thích hợp” trên Bán đảo Triều Tiên
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng khi Triều Tiên liên tục thử nghiệm vũ khí, Mỹ đang duy trì hệ thống phòng thủ “thích hợp” trên Bán đảo Triều Tiên.