Bắc Giang: Khánh thành cầu Như Nguyệt và khởi công dự án nhà ở xã hội

Chiều 16/6, tại Bắc Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành cầu Như Nguyệt mới và thực hiện nghi thức khởi công dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành cầu Như Nguyệt. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều 16/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ, cắt băng khánh thành cầu Như Nguyệt mới (cầu Như Nguyệt 2) và dự lễ, thực hiện nghi thức khởi công dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại tỉnh Bắc Giang.

Cùng dự có Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh.

Cầu Như Nguyệt mới (cầu Như Nguyệt 2) nằm trên tuyến cao tốc Hà Nội-Bắc Giang, bắc qua sông Cầu, có vị trí nằm bên cạnh vị trí cầu hiện tại về phía hạ lưu, chiều dài cầu và tuyến đường hai bên đầu cầu dự kiến dài khoảng 1.240m; điểm đầu tại Km131+580 Quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Quang Châu, huyện Việt Yên (Bắc Giang), điểm cuối Km132+820 Quốc lộ 1 thuộc địa phận phường Đáp Cầu, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Cầu Như Nguyệt 2 được khởi công xây dựng tháng 4/2022; có chiều dài khoảng 445m, chiều rộng cầu 16m; phần đường hai đầu cầu có tổng chiều dài khoảng 800m. Tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 456 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Bắc Giang.

[ Bắc Giang dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển sản xuất công nghiệp]

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh nêu rõ những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành nguồn lực rất lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tại các vùng, miền trọng yếu nhằm tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều công trình giao thông hiện đại như đường bộ cao tốc, cảng biển, cảng hàng không đã và đang được tích cực đầu tư xây dựng, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước, giúp tận dụng được lợi thế so sánh của các vùng, miền, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, từng vùng và đất nước.

Theo Thủ tướng, cầu Như Nguyệt từ lâu là điểm nghẽn, nút thắt về giao thông trên tuyến cao tốc nối Thủ đô Hà Nội-Bắc Ninh-Bắc Giang-Lạng Sơn và cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị trong nhiều năm. Việc đưa cầu Như Nguyệt 2 vào khai thác, sử dụng đã khơi thông được tuyến đường này.

Thủ tướng bày tỏ ấn tượng và biểu dương tỉnh Bắc Giang đã phát huy tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về phân cấp, phân quyền, giao quyền cho địa phương và phát huy tinh thần tự lực, tự cường để triển khai và hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch, vì lợi ích chung của đất nước; cảm ơn nhân dân đã tuân thủ pháp luật và ủng hộ triển khai dự án; biểu dương các nhà thầu, đơn vị tư vấn, triển khai thiết kế, thi công đảm bảo tiến độ.

Theo Thủ tướng, dự án góp phần tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của khu vực phía Đông Bắc của Tổ quốc nói chung và của tỉnh Bắc Giang nói riêng vì đây là cửa ngõ của tỉnh Bắc Giang.

Từ đó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, tạo ra không gian phát triển mới về công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp và mang lại hạnh phúc ấm no cho nhân dân.

Dự án cũng góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh; phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế ở các cửa khẩu lớn, các tỉnh biên giới.

“Hy vọng sau khi cầu Như Nguyệt giai đoạn 2 khánh thành, nút thắt kéo dài 7-8 năm qua sẽ được khơi thông, người dân di chuyển thuận lợi hơn, góp phần thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển đồng bằng sông Hồng,” Thủ tướng nhấn mạnh.

Từ kết quả và ý nghĩa nêu trên, Thủ tướng chỉ rõ những bài học kinh nghiệm quý báu. Thủ tướng nhấn mạnh, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; Trung ương mạnh dạn thí điểm phân cấp, phân quyền cho địa phương; tin tưởng và giao cho địa phương thực hiện các dự án hạ tầng lớn trên địa bàn và thiết kế công cụ để kiểm tra giám sát, đôn đốc và thực hiện quản lý nhà nước một cách nghiêm túc, chống tham nhũng, tiêu cực lãng phí trong triển khai các dự án; các địa phương phải tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay khối óc của mình; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không trông chờ ỷ lại, xóa bỏ cơ chế xin cho, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất hiệu quả; các tỉnh, thành, địa phương đồng sức, đồng lòng phối hợp cùng Trung ương chung tay, chung sức để thực hiện các dự án hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo Chủ đầu tư, các nhà thầu hoàn thiện các nội dung công việc còn lại của dự án; sớm hoàn thiện hồ sơ, bàn giao công trình cho Bộ Giao thông vận tải để tổ chức quản lý theo quy định.

Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để sớm đầu tư xây dựng công trình cầu Xương Giang, giải quyết nút thắt còn lại trên tuyến cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án Nhà ở xã hội cho công nhân. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công dự án Nhà ở xã hội dành cho công nhân tại thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang (giai đoạn 2).

Dự án Nhà ở xã hội tại khu đô thị mới thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang được quy hoạch với tổng diện tích lên đến 12,6ha, quy mô 16 tòa nhà chung cư cao 20 tầng và tổng mức đầu tư dự kiến lên đến gần 5.000 tỷ đồng, dự kiến cung cấp khoảng 7.000 căn hộ chung cư phục vụ cho hơn 20.000 người lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Dự án được chia làm 4 phân kỳ đầu tư. Giai đoạn 1 dự kiến bàn giao 2.500 căn hộ vào cuối tháng 3/2024. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng hơn 1.500 căn hộ, bắt đầu bàn giao nhà vào Quý 4 năm 2024.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết nhiều năm qua, việc giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đặc biệt là đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030."

Cùng với sự phát triển chung của cả nước, thời gian qua công nghiệp của tỉnh Bắc Giang có bước phát triển nhanh chóng, trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Công nghiệp phát triển đã tạo ra hàng trăm nghìn việc làm mới cho người lao động. Trong đó, nhu cầu về nhà ở xã hội của công nhân được là rất lớn.

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh tỉnh Bắc Giang đã triển khai tích cực các chiến lược, đề án về phát triển nhà ở xã hội mà Chính phủ đã Ban hành.

Thủ tướng cho rằng phát triển nhà ở xã hội được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, song nguồn lực đầu tư của Nhà nước có hạn. Do đó cần có cơ chế, chính sách để cải thiện việc huy động nguồn lực, nhất là hợp tác công tư trong phát triển nhà ở xã hội.

Đồng thời phải có chủ trương, chính sách về quản lý đất đai, quy hoạch; có chính sách cho cả người đầu tư và người mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Thủ tướng đề nghị tỉnh Bắc Giang nói riêng và các địa phương tiếp tục quan tâm dành nguồn lực, quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội; các tổ chức tín dụng, nhất là Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện để người thu nhập thấp, công nhân trong các khu công nghiệp tiếp cận vốn, mua, thuê mua nhà ở xã hội; các nhà đầu tiếp tục ưu tiên các dự án nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cảm ơn các nhà đầu tư đã cùng Nhà nước đầu tư các dự án nhà ở xã hội đảm bảo khang trang, tiện nghi, xanh, sạch, đẹp, với giá thành hợp lý; yêu cầu tiếp tục phối hợp với các địa phương hoàn thiện các thiết chế văn hóa, hạ tầng về đường, điện, y tế, giáo dục tại các dự án nhà ở xã hội và trong khu vực lân cận để người dân trong vùng dự án an cư, lạc nghiệp.

Thủ tướng kêu gọi các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp cùng nhau chung sức, đồng lòng thực hiện hiệu quả mục tiêu đến năm 2030 xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp./.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành dự án cầu Như Nguyệt. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự lễ khánh thành cầu Như Nguyệt. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành cầu Như Nguyệt. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự lễ khánh thành cầu Như Nguyệt. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan dự án Nhà ở xã hội cho công nhân. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính với công nhân tham gia xây dựng dự án Nhà ở xã hội cho công nhân tại khu đô thị Nếnh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra dự án Nhà ở xã hội cho công nhân. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan dự án Nhà ở xã hội cho công nhân. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan một căn hộ tại dự án Nhà ở xã hội cho công nhân. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng quà công nhân tham gia xây dựng dự án Nhà ở xã hội cho công nhân tại khu đô thị Nếnh. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Lễ thông xe cầu Như Nguyệt. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Toàn cảnh Cầu Như Nguyệt trong ngày thông xe. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công dự án Nhà ở xã hội cho công nhân. Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Giai đoạn 1 của dự án đang được hoàn thiện. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục