Quốc hội ngày càng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động thì chất lượng và tính chuyên nghiệp của đại biểu phải được nâng lên. Do đó, trước mỗi cuộc bầu cử, việc lựa chọn các ứng cử viên đòi hỏi một quy trình hiệp thương chặt chẽ.
Để được vào danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, người ứng cử phải bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.
Một trong những tiêu chuẩn mà ứng cử viên phải có là phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, có bản lĩnh vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác…
Tránh hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng việc thỏa thuận lập danh sách của các cơ quan Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV cần chọn được các đại biểu có tâm, có tầm, có uy tín với nhân dân, không vì tình cảm mà nể nang nhau.
“Hội nghị Hiệp thương phải lựa chọn cho kỹ, làm sao loại bỏ những động cơ không tốt, không trong sáng, những người không đủ tư cách vào Quốc hội, không vì cục bộ địa phương để có thể giới thiệu người tài, để Quốc hội thực sự đại diện cho tiếng nói của nhân dân và vì nhân dân,” ông Túc khẳng định.
Tại Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị, về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Bộ Chính trị nhấn mạnh yêu cầu kiên quyết không giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp những người không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người sa sút về phẩm chất đạo đức, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, xu nịnh, kiêu ngạo, quan liêu, gây mất đoàn kết, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Ðảng, Nhà nước...
Với yêu cầu này, theo ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, công tác hiệp thương để sàng lọc đại biểu Quốc hội đưa vào danh sách ứng cử là khâu rất quan trọng, do đó phải lựa chọn đại biểu thực sự có năng lực, trình độ, đủ khả năng chức trách nhiệm vụ của đại biểu, tránh tình trạng hiệp thương tồn tại "quân xanh, quân đỏ" sẽ không mang tính chất cạnh tranh trong vị trí cơ quan quyền lực cao nhất đất nước.
[Bầu cử Quốc hội và HĐND: Bảo đảm bình đẳng trong quá trình bầu cử]
Mặt khác, theo ông Cường, khi lựa chọn đại biểu Quốc hội phải thông qua các vòng hiệp thương để xây dựng cơ cấu mang tính chất đại diện cho các tầng lớp nhân dân, ngành, lĩnh vực.
“Chức trách của đại biểu Quốc hội không chỉ lắng nghe tiếng nói của cử tri mà còn phải biết truyền tải những ý kiến đó để đóng góp vào những vấn đề quan trọng của đất nước; tổng hợp ý kiến cử tri để giám sát và chất vấn trở lại cơ quan thực thi pháp luật. Vì thế, việc lựa chọn được đại biểu có đủ năng lực, trình độ, am hiểu về các lĩnh vực chuyên môn thật sâu; phải là người dám nói, dám hành động, trung thực, ngay thẳng, không vì ràng buộc nào đóng góp cho sự nghiệp chung đúng với tinh thần vì dân, vì nước, khi đó mới hoàn thành được nhiệm vụ, chức trách của đại biểu Quốc hội là đại diện tiếng nói cho người dân trong công cuộc phát triển đất nước,” ông Cường đặc biệt lưu ý.
Bên cạnh việc thông tin từ hồ sơ ứng cử viên được gửi cho cơ quan tham gia vào hiệp thương, vị đại biểu Quốc hội này cho rằng việc thông tin tuyên truyền chương trình hành động của các ứng cử viên trên các phương tiện thông tin đại chúng là kênh hết sức quan trọng để cử tri biết và tìm hiểu xem xét phù hợp với năng lực, khả năng và vị thế của họ - đó là cơ sở quan trọng lựa chọn ứng cử viên nào thực hiện đúng lời hứa của đại biểu Quốc hội.
Chất lượng “đầu vào” là then chốt
Có thể thấy, những kỳ họp Quốc hội gần đây, hình ảnh các đại biểu tranh luận thẳng thắn, phản biện với Người đứng đầu các bộ, ngành, sẵn sàng đưa ra những câu hỏi gai góc, có chiều sâu, đa góc cạnh về một vấn đề, dám nói những ý kiến, kiến nghị của cử tri, đi đến những điểm nóng về an ninh trật tự, phân tích sâu sắc các lĩnh vực có tính chất chuyên ngành… đã khiến cử tri có niềm tin hơn vào hoạt động của các cơ quan dân cử.
[Bài 1: Bài học từ phát huy dân chủ, “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”]
Đánh giá từ cơ sở, ông Dương Minh Bùi, Phó Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Việt Yên, thành viên Ban pháp chế và Tổ trưởng tổ Đại biểu Hội đồng Nhân dân huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang), nhận định: Thực tế cho thấy, ở đâu chú trọng đến chất lượng đại biểu để cử tri lựa chọn được người có trách nhiệm, dám nói và dám làm thì tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân sẽ được giải quyết.
“Đổi thay của nhiều địa phương hôm nay được cử tri cho rằng lá phiếu mà họ đã bầu chọn người đại diện cho tiếng nói của mình trong thời gian qua là đúng. Điều đó được thể hiện ở hầu hết các địa phương của tỉnh, ngay cả ở những xã vùng sâu, vùng xa, khi người dân đã lựa chọn người đại diện cho mình thực sự tâm huyết thì tiếng nói của họ được chính quyền cơ sở lắng nghe, giải quyết thấu đáo, thực sự đem lại lợi ích cho nhân dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ,” ông Bùi nhấn mạnh.
Trong Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị đã nêu rõ phải lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Từ yêu cầu này, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhấn mạnh các đại biểu Quốc hội là người đại diện cho nhân dân bầu ra mình và là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, cho nên phải lựa chọn các đại biểu Quốc hội có tâm, có tầm, có năng lực. Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội quan trọng hơn nhiều so với cơ cấu.
Cũng qua các kỳ họp Quốc hội cho thấy đại biểu chuyên trách đã có đóng góp quan trọng, thể hiện rất rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tích cực nghiên cứu tài liệu, tham gia phát biểu thảo luận, chất vấn ở các kỳ họp của Quốc hội.
[Bầu cử Quốc hội và HĐND: Gấp rút lập và công bố danh sách ứng cử viên]
Ủng hộ việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách từ 35% lên 40%, ông Trần Văn Lâm-Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, nhận định đây là phương hướng hợp lý, phù hợp với điều kiện và bối cảnh hiện nay. Bởi số lượng đại biểu chuyên trách tăng sẽ phát huy tốt vai trò của Quốc hội, đặc biệt là trong công tác giám sát, phản biện.
Với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của đất nước, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với Quốc hội trong thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi Quốc hội phải tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo và hành động vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc.
Bà Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng để hoạt động hiệu quả, các thành viên Quốc hội phải có chất lượng. Trong trường hợp đại biểu Quốc hội được dân ủy quyền giám sát tối cao cần phải hội đủ phẩm chất, trình độ để nói lên tiếng nói thay người dân.
“Vừa qua, trong Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị đã nêu rõ phải lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Do đó, cơ cấu cần nhưng đi kèm với chú trọng lựa chọn người xuất sắc, bởi chỉ cơ cấu không sẽ làm giảm chất lượng đại biểu Quốc hội và đương nhiên sẽ làm kém hiệu quả Quốc hội,” bà An nói.
Trong khi đó, ông Hoàng Văn Cường cũng nhấn mạnh khi đại biểu chuyên trách dành toàn bộ thời gian cho các vấn đề tại Quốc hội thì sẽ có điều kiện tiếp xúc được rộng rãi cử tri, các chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau, thu thập lắng nghe nhiều ý kiến đa chiều khi đóng góp vào dự án luật.
Mặt khác, các đại biểu chuyên trách làm việc hoàn toàn độc lập so với các cơ quan hành pháp, trong khi các đại biểu không chuyên làm việc ở các lĩnh vực hoạt động thuộc cơ quan hành pháp thì rất khó cho ý kiến hay chất vấn, giám sát trở lại chính ngành của mình.
“Như vậy, đại biểu chuyên trách khi tách bạch ra sẽ có điều kiện về cái nhìn khách quan, độc lập hơn, thậm chí không bị ràng buộc nào đó từ phía cơ quan quản lý và hành pháp, đưa ý kiến chất vấn thẳng thắn, trực diện hơn, phát huy được không khí nghị trường,” đại biểu Cường tin tưởng.
Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội khác cũng cho rằng, lựa chọn được các đại biểu thực sự là đại diện ưu tú nhất cho giai tầng, giới tham gia vào Quốc hội phụ thuộc vào công tác tổ chức bầu cử từ vấn đề xác định các tiêu chuẩn, điều kiện, tổ chức các hoạt động giới thiệu, hiệp thương bầu cử để làm sao khi triển khai vào thực tế sẽ thể hiện được trách nhiệm lựa chọn người tiêu biểu cả về năng lực, phẩm chất tâm huyết, trách nhiệm...
Quá trình này đòi hỏi triển khai Luật Tổ chức bầu cử Quốc hội, Hội đồng Nhân dân phải thật sự chặt chẽ, trách nhiệm, khách quan vì Luật là công cụ, cơ sở để lựa chọn đại biểu tiêu biểu./.
Mời độc giả đón đọc cả loạt bài:
Bài 1: Bài học từ phát huy dân chủ, “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”
Bài 2: Đại biểu Quốc hội: Cần những người hội đủ đức, tâm và tầm
Bài 3: 'Mục tiêu cuối cùng là chất lượng hoạt động của đại biểu QH'