Đồng USD mạnh lên sau 4 lần tăng lãi suất liên tiếp đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, sau giai đoạn có dấu hiệu căng thẳng cung ngoại tệ, tỷ giá tạm thời đã giảm áp lực. Song vẫn còn đó những biến động phía trước...
Áp lực nhưng không đáng quan ngại
Nhằm kiềm giữ đà tăng của tỷ giá, trong tháng 7/2022, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực can thiệp thông qua thị trường mở và phát hành tín phiếu để điều tiết thanh khoản tiền đồng trong hệ thống ngân hàng. Tính đến ngày 31/7, lượng tín phiếu đang lưu hành đạt xấp xỷ 111.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 87.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn vào nửa đầu tháng 8/2022 và phần còn lại sẽ đáo hạn vào trung tuần tháng 9/2022.
Cũng trong tháng Bảy, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng giá bán USD từ mức 23.250 đồng lên 23.400 đồng đồng thời chuyển từ phương thức bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay. Lượng USD bán giao ngay trong tháng qua ước đạt 3,5 tỷ USD, tương đương 81.900 tỷ đồng. Cũng bởi vì lượng tiền đồng rút ra khỏi hệ thống quá lớn từ cả hai kênh tín phiếu và bán USD, trong tuần cuối tháng Bảy, Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ thanh khoản trở lại thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn.
[Bài 1: Xuất khẩu được lợi, nhập khẩu thêm gánh nặng chi phí]
Điểm đáng chú ý là Ngân hàng Nhà nước hút tiền về ở các kỳ hạn dài nhưng chỉ bơm hỗ trợ thanh khoản cho kỳ hạn ngắn là 7 ngày đồng thời chuyển từ phương thức đấu thầu khối lượng sang đấu thầu lãi suất.
Chuyên gia chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định diễn biến trên cho thấy Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ thanh khoản tiền đồng trong hệ thống từ nay đến cuối năm nhằm giảm bớt áp lực lên tỷ giá và việc vay tiền từ Ngân hàng Nhà nước sẽ không còn rẻ như trước bởi những ngân hàng bị thiếu hụt về thanh khoản buộc phải đấu thầu để vay với mức chi phí cao hơn.
Ngoài ra, trong tháng 7/2022, với việc Ngân hàng Nhà nước tuyên bố giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 ở mức 14% trong khi tăng trưởng tín dụng đến 26/7 đã đạt 9,4% đồng nghĩa với định hướng thắt chặt chính sách tiền tệ cho dù Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái nâng lãi suất điều hành.
Trước những động thái điều hành kể trên, áp lực mất giá tiền đồng đã có dấu hiệu hạ nhiệt thể hiện qua việc lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh lên vùng 4,0%-5,0% khiến cho chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng đã đảo chiều từ âm sang dương. Tỷ giá USD/VND thu hẹp đà tăng từ mức tăng đỉnh điểm 2,7% còn 2,3% vào cuối tháng 7/2022.
Nhìn lại thời điểm năm 2009, VND mất giá 9,17% do nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân dự trữ ngoại hối thấp và nền kinh tế nhập siêu. Tuy nhiên, hiện Việt Nam có kho dự trữ ngoại hối kỷ lục 110 tỷ USD, cao gấp nhiều lần trước đây và liên tục nhiều năm qua xuất siêu, nên nguồn ngoại tệ khá dồi dào. Đặc biệt, “cơ thể” kinh tế vĩ mô nước ta hiện tại vững chắc hơn giai đoạn đó rất nhiều, nên theo các chuyên gia, áp lực tỷ giá thời gian tới là có, song các cú sốc sẽ không xảy ra.
Cũng có nhiều lo ngại khi đồng USD tăng giá khiến dòng vốn ngoại có xu hướng chảy về thị trường Mỹ, tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính (Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết động thái rút vốn của nhà đầu tư ngoại đã diễn ra từ trước khi COVID-19 diễn ra và trước khi thị trường chứng khoán lao dốc. Tuy nhiên, ở Việt Nam, không có hiện tượng vốn ngoại tháo chạy ồ ạt. Một số nhà đầu tư ngoại rút vốn, song dòng vốn từ Thái Lan, Hàn Quốc lại đổ vào khá mạnh, bù đắp được sự thiếu hụt này.
Điều này được chứng minh ở báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong bảy tháng qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của bảy tháng trong 5 năm qua.
Bài toán ổn định kinh tế vĩ mô
Theo các chuyên gia của Công ty chứng khoán Quân đội (MBS), thời gian tới áp lực đối với VND có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao khi các chính sách trên vẫn tiếp tục được thực thi cho đến khi lạm phát hạ nhiệt tại một số nền kinh tế lớn của thế giới.
Trong bối cảnh áp lực tăng lên, MBS nhận định điểm tích cực cho diễn biến tỷ giá VND/USD đó là dự trữ ngoại hối được củng cố và duy trì đà gia tăng trong năm 2020 và 2021 khi cán cân thanh toán thặng dư. Do đó, Ngân hàng Nhà nước có đủ dư địa để hỗ trợ tỷ giá VND/USD trong năm 2022.
“Chúng tôi đánh giá Ngân hàng Nhà nước sẽ chọn giải pháp điều hành kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ để tỷ giá VND/USD tăng nhẹ trong các tháng cuối năm. Theo đó, bán ra và mua vào USD phù hợp để đáp ứng nhu cầu thị trường và hút bớt VND ra khỏi hệ thống ngân hàng thương mại để mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng thương mại tăng nhẹ, hỗ trợ sức mạnh cho VND và làm giảm áp lực lạm phát,” chuyên gia MBS nhận định.
Cùng với đó, các chuyên gia của MBS cũng cho rằng với xu hướng đi lên và duy trì ở mức cao của USD trên thị trường tài chính thế giới cộng thêm áp lực lạm phát của Việt Nam cũng tăng trong năm 2022, sức ép giảm giá VND so với USD sẽ tăng hơn các năm gần đây song không đáng quan ngại.
Chuyên gia của công ty chứng khoán Rồng Việt cũng cho biết từ nay đến cuối năm, việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn còn khá nhiều thách thức như lãi suất điều hành của Fed còn vài lần tăng nữa, với mức tăng kỳ vọng khoảng 1,5%-1,75% trong cuộc họp tháng 9, 11 và 12 sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ cho nhu cầu USD.
Bên cạnh đó, lãi suất huy động tiếp tục tăng kéo theo việc tăng trưởng huy động vốn bắt kịp tăng trưởng tín dụng sẽ gây áp lực lên việc điều tiết thanh khoản trong hệ thống ngân hàng. Điểm thuận lợi là lạm phát Việt Nam vẫn đang diễn biến trong biên độ cho phép nhờ giá dầu thế giới đang giảm, tăng trưởng kinh tế năm 2022 không đáng lo trên cơ sở mức nền thấp của cùng kỳ. Dù vậy, bức tranh kinh tế năm 2023 đang dần hé lộ với rất nhiều khó khăn phía trước, ưu tiên kiểm soát lạm phát và ổn định tăng trưởng nhiều khả năng sẽ không thể song hành trong năm sau.
Còn thạc sỹ Phan Minh Hòa - Giảng viên Kinh tế Đại học RMIT lại cho rằng các nhà hoạch định chính sách đều cần theo dõi sát sao các biến động, bởi ngoài tác động đến xuất nhập khẩu, đồng USD tăng giá còn gây áp lực lên lạm phát, lên thị trường tài chính và cũng làm gánh nặng nợ tăng lên.
Vì vậy, theo bà Hòa, các nhà hoạch định chính sách cần đảm bảo sự cân đối giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Nếu đồng Việt Nam mất giá quá nhanh, chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu bị lên cao ảnh hưởng đến sản xuất, lạm phát sẽ gia tăng trong bối cảnh đã có rất nhiều sức ép, ngoài ra còn tăng gánh nợ nước ngoài, và dễ rủi ro bị Mỹ xem xét thao túng tiền tệ. Ngược lại, nếu tỷ giá bị kiềm chế quá mức trong khi những đồng tiến khác đã mất giá, hàng hóa xuất khẩu lại sẽ mất sức cạnh tranh.
Về phía nhà điều hành, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, nhiều áp lực như hiện nay, với quy mô dự trữ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước mua vào và củng cố mạnh mẽ trong các giai đoạn trước đây, Ngân hàng Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường.
“Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn nữa, qua đó tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân, trong đó có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế,” ông Quang nhấn mạnh./.