Bài 2: Tập sai động tác Yoga, hậu quả có thể rất nặng nề

Người tập Yoga và giáo viên hướng dẫn chỉ cần lơ là, thiếu kiến thức về cơ xương khớp thì nguy cơ chấn thương, tai nạn có thể xảy ra bất cứ khi nào và hậu quả để lại vô cùng nặng nề.
Tập Yoga không đúng cách dễ dẫn tới chấn thương. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

*Yoga không phải trò đùa

Những năm gần đây, xu hướng tập Yoga ngày càng tăng. Chính vì vậy, tại nhiều cơ sở có sự bùng nổ về số lượng học viên.

Có xu hướng nhà nhà, người người rủ nhau đi tập Yoga. Tuy nhiên, người tập và giáo viên hướng dẫn chỉ cần lơ là, thiếu kiến thức về cơ xương khớp thì nguy cơ chấn thương, tai nạn trong khi tập có thể xảy ra bất cứ khi nào và hậu quả để lại vô cùng nặng nề.

Có trường hợp nhẹ thì phải điều trị nội khoa trong một thời gian dài, đáng buồn hơn, có trường hợp bị nặng có thể dẫn tới bị liệt.

[Bài 1: Luyện tập Yoga: Phong trào bùng nổ như thời kỳ "bình dân học vụ"]

Ông Gurdev Singh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Yoga châu Á nhận định: “Có rất nhiều trung tâm và giáo viên Yoga có kiến thức và kỹ năng giảng dạy tốt. Tuy nhiên, đúng là cũng có một số trung tâm hay có thể nói là một số giáo viên với kiến thức chưa đủ để trở thành giáo viên Yoga, trở thành người chăm lo cho sức khỏe của người khác. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá trị của Yoga cũng như sức khỏe người tập, vì thực tập sai sẽ rất dễ gây ra chấn thương.”

“Ví dụ, khi tập một tư thế, nếu giáo viên không hướng dẫn đúng phương pháp, người tập sẽ bị chấn thương. Do các ảnh hưởng về sức khỏe này của người tập, giá trị của Yoga cũng bị giảm theo,” ông Gurdev cảnh báo.

Tai nạn, chấn thương không hiếm

Tiến sỹ Nguyễn Lê Bảo Tiến – Viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Việt Đức) dẫn chứng cụ thể về một số trường hợp xảy ra chấn thương sau khi tập Yoga đã tới khám tại Viện trong thời gian gần đây trong nhiều tình huống khác nhau.

Trong khi tập Yoga có nhiều người tập động tác chồng cây chuối, với động tác này, đầu của người tập hứng hết trọng lượng của cơ thể và kèm theo các động tác cao siêu hơn là uốn người... dẫn đến bị vỡ đĩa đệm ở cổ và chòi ra phía sau.

Có bệnh nhân tới viện khám do tự dưng thấy đau cổ cấp, một số trường hợp thấy hơi buốt tay một chút, điển hình nhất là cảm thấy đau cổ tăng lên.

Đặc biệt, có bệnh nhân chưa thấy đó là những biểu hiện của chấn thương, cứ nghĩ mình tập quá sức và có điều chỉnh một chút, nhưng kéo dài một hai tuần không thấy đỡ. Đó là những trường hợp may mắn, và nếu có những trường hợp không may mắn sẽ bị liệt.

Tiến sỹ Nguyễn Lê Bảo Tiến – Viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Việt Đức)

Đó không chỉ là những ca bệnh riêng tại Viện chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), mà tại nhiều bệnh viện, cơ sở y tế trên cả nước, các bác sỹ đã khám và điều trị cho nhiều bệnh nhân xuất hiện hội chứng đau cổ - vai, đau lưng cấp... sau tập Yoga. Nguyên nhân là do cột sống đã quá tải do làm việc suốt ngày.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Vũ Thị Nga – giáo viên dạy Yoga của Trung tâm ADYoga cho biết, những tai nạn, chấn thương xảy ra trong khi tập Yoga không phải là chuyện hiếm và đã có rất nhiều trường hợp xảy ra trong quá trình tập bộ môn này.

Theo cô Nga, nguyên nhân là do vì nhiều người học Yoga đã tập không đúng phương pháp, hay có trường hợp một số giáo viên Yoga đó chưa hiểu biết sâu về giải phẫu con người để truyền đạt cho học viên đầy đủ các kiến thức cơ bản nhất để phòng tránh.

Giáo viên Nga dẫn chứng, đơn giản nhất, cùng một động tác gấp người xuống, nếu như với một bệnh nhân mà họ đang thoát vị mà giáo viên dùng cơ lưng để ép người xuống thì lập tức học viên đó sẽ bị thoát vị rất nặng. Vì vậy, người giáo viên phải hiểu rất kỹ về sự chuyển động của các cơ xương khớp thì mới không xảy ra chấn thương.

Mối lo thoát vị đĩa đệm

Theo Viện trưởng-tiến sỹ Nguyễn Lê Bảo Tiến, thời gian vừa qua tại Viện chấn thương chỉnh hình cũng đã có một số trường hợp bệnh nhân bị chấn thương sau tập Yoga đến khám, tuy nhiên họ chưa đến mức nhập viện.

Các bệnh nhân trên vào viện có các biểu hiện đau cấp, họ thường là đang trong quá trình tập Yoga đến giai đoạn cao. Chẳng hạn như có môn chồng cây chuối, đầu tỳ xuống sàn, tất cả lực dồn hết lên phần đầu, trong khi chức năng của phần cổ khác với phần lưng. Phần đầu và cổ trách nhiệm của nó là mềm dẻo, chỉ đỡ cổ, đầu. Với lưng thì chức năng mang vác lại quan trọng.

Với những trường hợp chấn thương vùng cổ như trên, qua quá trình khai thác các bác sỹ thấy có thể do nguy cơ chấn thương thể thao. Sau khi chụp phim cho kết quả thấy thoát vị đĩa đệm cổ rất to.

Về phương pháp điều trị với các trường hợp chấn thương như trên, tiến sỹ Tiến chỉ rõ: “Tùy theo thể bệnh, tùy theo lâm sàng các bác sỹ sẽ có hướng dẫn. Tuy nhiên, khi đã có chấn thương rồi việc điều trị như một bệnh lý thực sự. Đa phần chúng tôi phải khuyên bệnh nhân tạm dừng tập Yoga lại để chuẩn bị cho mình một thể trạng tốt nhất có thể. Một số trường hợp nặng, nếu có dấu hiệu tổn thương tủy thì phải mổ. Trường hợp nặng có thể phải bỏ hẳn Yoga để chọn phương pháp khác như đạp xe, bơi, để phù hợp với cơ thể hơn.”

Một trường hợp khác, đó là trường hợp ông Tr. V.T (46 tuổi) - chính là thầy dạy môn Yoga vẫn thỉnh thoảng tới Viện chấn thương chỉnh hình khám vì những biểu hiện đau tức của cơ thể ở các khớp, vùng lưng. Qua chụp phim bác sỹ thấy kết quả các khớp già hơn trước tuổi.

"Người ta đã là thầy dạy Yoga rồi mình không biết nói sao cả, đó là nghề của họ và họ thích như vậy. Chúng tôi chỉ khuyên bệnh nhân đó nên tránh những động tác không có lợi cho cột sống. Chẳng hạn như ngồi một tư thế quá lâu, bất kỳ trạng thái nào,” tiến sỹ Tiến nhấn mạnh.

Về thiên hướng điều trị với trường hợp bệnh nhân là thầy dạy Yoga kia, theo Viện trưởng Tiến, là có một số trạng thái không tốt cho cột sống, không tốt cho các khớp thì phải giảm cường độ tập.

Tiến sỹ Nguyễn Lê Bảo Tiến cho hay, xét về tổng thể, Yoga là một môn rất bổ ích cho sức khỏe của người tập. Tập Yoga là phương cách tập luyện có lợi cho sức khỏe nếu học viên tập đúng và có thể xảy ra các chấn thương, cũng như tác hại nếu tập sai. Đây là điều mà bất kỳ một môn thể dục thể thao nào cũng có thể xảy ra.

Theo Viện trưởng Tiến khuyến cáo mỗi người trong khi làm việc hay tập luyện các môn thể thao chỉ nên ngồi cố định một chỗ từ 30 phút đến 1 giờ đồng hồ là phải vận động, bắt đầu thay đổi tư thế. Bởi trong trường hợp mọi người ngồi một tư thế lâu, từ 3-4 tiếng đồng hồ, cột sống sẽ có nguy cơ bị hỏng nhanh.

“Tôi rất là lo lắng bởi hiện nay trào lưu làm giáo viên Yoga rất nhiều, có thể họ đến một trung tâm nào đó họ tập và họ tập. Với các bạn trẻ thì các khớp của họ rất linh hoạt thì họ có thể vặn bên nọ vặn bên kia thoải mái như một diễn viên xiếc. Nhưng họ tưởng thế là rất hay nhưng khi họ dạy cho những người có tuổi, chẳng hạn như họ bị bẩm sinh, cấu trúc xương của họ, đĩa đệm của họ đã hẹp rồi mà không chuyển động đúng thì dễ dàng bị thoát vị đĩa đệm,” cô Nga lo ngại./.

Các chuyên gia nói về nguy cơ chấn thương do tập Yoga

Bài 3: Giáo viên dạy Yoga “chuyển nghề”: Tiềm ẩn nhiều nỗi lo

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục