Bài học rút ra cho báo chí sau sự kiện chiếc váy gây tranh cãi

Qua sự kiện chiếc váy "đổi màu" cây bút Craig Silverman của tờ Poynter, phác họa 5 hiện tượng và thành kiến mà mỗi nhà báo cần phải chú ý tới.
Chiếc váy "đổi màu" gây tranh cãi dữ dội những ngày vừa qua.

Cuộc tranh luận sôi nổi trên Internet về màu sắc của một chiếc váy ngày hôm qua đã đưa ra một bài học quan trọng mà bất cứ nhà báo nào cũng nên nhớ tới khi làm công việc hàng ngày của mình.

Chúng ta nhìn vào bức ảnh đơn giản chụp một chiếc váy, và thấy những điều khác nhau. Điều này không liên quan gì tới trí tuệ, kinh nghiệm, phong cách thời trang hay bất cứ đặc điểm cá nhân nào khác.

Chúng ta chịu sự kiểm soát hoàn toàn của não bộ và quá trình nhận thức của nó. Đôi mắt thu nhận thông tin, bộ não xử lý và đưa ra câu trả lời. Bởi câu trả lời này được bộ não của chính chúng ta đưa ra, nên nó dường như chính là câu trả lời đúng.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta không giả định rằng bộ não và đôi mắt của chúng ta có thể đưa ra những thông tin lỗi.

Trên thực tế, bộ não và đôi mắt thường không hề trung thực.

Có một sự thật đơn giản, đó là cách mà não bộ của chúng ta xử lý thông tin có thể khiến chúng ta lạc hướng. Đây là điều mà mỗi nhà báo cần phải nhận thức được và phản ánh lại trong công việc hàng ngày.

Dưới đây là bản tóm tắt báo cáo của phóng viên Craig Silverman của trang Poynter, phác họa 5 hiện tượng và thành kiến mà mỗi nhà báo cần phải chú ý tới:

1. Hiệu ứng phản pháo

Trong một bài viết trên trang blog You Are Not So Smart, nhà báo David McRaney đã đưa ra một định nghĩa ngắn gọn về hiệu ứng phản pháo: “Khi những xác tín sâu xa nhất của bạn bị thử thách bởi các chứng cứ có tính phản bác, niềm tin của bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.”

McRaney đã đi sâu vào phân tích hiệu ứng phản pháo trong cuốn sách của anh. Trong đó, McRaney giải thích ngắn gọn về tác động của hiệu ứng này lên suy nghĩ và hành động của con người như sau:

“Khi một điều gì đó được bổ sung vào danh sách những quan niệm của bạn, bạn sẽ bảo vệ điều đó khỏi bị tổn hại. Bạn làm điều này một cách bản năng và vô thức khi phải đối diện với thông tin trái chiều. Thay vì tự đặt ra câu hỏi về những quan niệm của bản thân, bạn lại kiên quyết không từ bỏ chúng. Khi có người muốn sửa sai cho bạn, cố gắng phá hủy quan niệm sai lầm của bạn, sự giúp đỡ của họ bị phản pháo và lại càng khiến bạn khư khư giữ lấy quan niệm sai lầm của mình.”

2. Thiên vị xác nhận

Chúng ta dựa vào thiên vị xác nhận để vô thức chọn ra những dữ liệu ủng hộ cho quan điểm của bản thân. Nếu chúng ta đã bị thuyết phục bởi một kết quả nào đó, chúng ta sẽ chú ý nhiều hơn tới những thông tin ủng hộ kết quả đó.

Một bài báo đăng trên tờ Wall Street Journal đã miêu tả hiệu ứng của thiên vị xác nhận trong giới kinh doanh như sau: “Nói ngắn gọn, chính đầu óc bạn hành động như một người luôn luôn đồng tình với bạn, chỉ nhắc lại những gì bạn muốn tin vào.”

Thiên vị xác nhận khiến chúng ta mù quáng trước những bằng chứng và sự kiện mâu thuẫn với quan điểm cá nhân.

Đối với người làm báo, sự thiên vị này thường xuất hiện dưới dạng thái độ không sẵn sàng tập trung vào những thông tin đi ngược lại với góc nhìn của bản thân nhà báo đối với một câu chuyện nào đó.

3. Lý giải có động cơ

Chúng ta nghĩ về bản thân mình như những người có lý trí, xem xét công bằng những bằng chứng và thông tin trước mắt ta.

Thế nhưng thường thì không phải vậy. Chúng ta dễ dàng bị thuyết phục bởi những thông tin phù hợp với quan điểm bản thân, nhưng lại đánh giá và loại bỏ một cách nghiêm khắc những bằng chứng và chi tiết chứng minh điều ngược lại.

Lý giải có động cơ và thiên vị xác nhận giống nhau ở nhiều điểm. Nhà tâm lý học Gary Marcus diễn tả điểm khác nhau như sau: “Nếu thiên vị xác nhận là một xu hướng định sẵn khiến chúng ta chú ý tới những thông tin phù hợp với quan niệm cá nhân, thì lý giải có động cơ lại khiến chúng ta có xu hướng ‘bới lông tìm vết’ với những điều ngược lại.”

4. Đồng hóa thiên vị

Trong tác phẩm “True Enough,” Farhad Manjoo định nghĩa đồng hóa thiên vị là xu hướng “giải thích và hiểu thông tin mới theo hướng ủng hộ cho quan điểm cá nhân,” trích dẫn những nghiên cứu do các nhà tâm lý học Charles Lord, Lee Ross và Mark Lepper trong bài nghiên cứu “Đồng hóa thiên vị và Phân cực thái độ: Tác động của Giả thuyết trước đó tới Bằng chứng xem xét sau này.”


5. Phân cực nhóm

Khi nói chuyện với những người đồng quan điểm, chúng ta có xu hướng ủng hộ quan điểm đó một cách càng mãnh liệt hơn.

Năm 2010, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Georgia và Microsoft Research đã xem xét hiện tượng phân cực nhóm trên Twitter, và nhận thấy rằng “những bài trả lời từ các cá nhân đồng quan điểm củng cố thêm cho bản sắc của nhóm.”

Vì vậy, từ giờ trở đi, khi thu thập thông tin, nói chuyện với người khác, và chọn lựa những gì cần thêm vào, cần nhấn mạnh, hay cần loại bỏ, hãy nhớ tới chiếc váy gây tranh cãi này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục