Bán đất công, hàng loạt cán bộ thôn dắt tay nhau vào tù

Ngày 30/10, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, Thường Tín, Hà Nội.

Ngày 30/10, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Phiên tòa được mở theo đơn kháng cáo của 6 bị cáo nguyên là cán bộ, đảng viên thôn Trát Cầu, xã Tiền Phong gồm: Đỗ Duy Khang (sinh năm 1960), Lê Văn Mộ (sinh năm 1947), Hồng Quang Tuấn (sinh năm 1964), Đỗ Duy Châm (sinh năm 1971), Lê Văn Khoa (sinh năm 1979) và Lê Văn Chung (sinh năm 1948).

Trước đó, trong từ 24-27/4/2017, Tòa án nhân dân huyện Thường Tín đã mở phiên tòa xét xử và tuyên phạt bị cáo Đỗ Duy Châm 4 năm tù, Đỗ Duy Khang 3 năm 6 tháng tù, 4 bị cáo còn lại cùng chịu mức án 3 năm tù về cùng tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.” Sau khi án sơ thẩm tuyên, các bị cáo đã làm đơn kháng cáo kêu oan.


[Phạt tù 34 cán bộ hải quan tiếp tay doanh nghiệp, chiếm 41 tỷ đồng]

Theo bản án sơ thẩm, với lý do để có tiền xây dựng cơ sở vật chất cho thôn xóm, từ năm 2010-2011, Đỗ Duy Châm với tư cách Bí thư Chi bộ đội 8 đã tổ chức nhiều cuộc họp chi bộ, sau đó ra chủ trương thành lập ban kiến thiết, đồng thời báo cáo Ủy ban Nhân dân xã Tiền Phong cho thanh lý Nhà văn hóa cũ.

Tiếp đến, Đỗ Duy Khang với tư cách Trưởng cụm dân cư số 8 cùng một số bị cáo trong vụ án tổ chức họp lấy ý kiến xã viên, nhân dân và triển khai Nghị quyết của Chi bộ về việc thanh lý nhà văn hóa cũ, đồng thời cho thuê đất lâu dài đối với một số diện tích đất xen kẹt, đất ven sông Nhuệ.

Cuối năm 2010, Lê Văn Mộ với tư cách Trưởng ban kiến thiết cụm dân cư số 8 cùng đồng phạm đã ký hợp đồng và bàn giao toàn bộ diện tích Nhà văn hóa cũ (khoảng hơn 370 m2) cho một người dân ở địa phương. Ngược lại, người nhận thuê lâu dài Nhà văn hóa cũ phải nộp cho chính quyền cụm dân cư số 8 tổng cộng gần 1,6 tỷ đồng (tương ứng với 4,2 triệu đồng/m2).

Tiếp đó, ngày 28/1/2011, Mộ cùng đồng phạm tiếp tục tổ chức đấu thầu và cho sử dụng lâu dài đối với 4 thửa đất ven sông Nhuệ (tương đương hơn 400 m2) để thu về hơn 3 tỷ đồng. Khoảng gần 1 tháng sau đó, các bị cáo nguyên là cán bộ của cụm dân cư số 8 này tiếp tục cho thuê lâu dài gần 700 m2 đất ven sông Nhuệ để thu về hơn 4 tỷ đồng. Cơ quan chức năng xác định, tổng cộng trong 3 lần cho thuê đất trái thẩm quyền, các bị cáo đã chuyển dịch hơn 1.400 m2 đất công, dự kiến sẽ thu về hơn 9 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm vụ án bị phát hiện, Lê Văn Mộ cùng đồng phạm đã thu được hơn 6,5 tỷ đồng từ 10 người dân.

Với hành vi phạm tội của các bị cáo nêu trên, cơ quan tố tụng xác định mặc dù về hình thức các bị cáo ký hợp đồng cho thuê đất lâu dài nhưng trên thực tế và bản chất là bán đất công trái phép. Hành vi này của các bị cáo trái với pháp luật về đất đai, gây thất thoát cho Nhà nước và làm phức tạp tình hình quản lý đất đai tại địa phương.

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi vi phạm. Tuy nhiên, các bị cáo cho rằng bị oan vì các bị cáo không thuộc đối tượng có chức vụ, quyền hạn và số tiền thu về sẽ được dùng hết vào kiến thiết cơ sở hạ tầng ở địa phương và không một ai được tư lợi cá nhân.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm cho rằng bản án sơ thẩm đã xử phạt các bị cáo về tội danh trên là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không oan. Tuy nhiên, mức án sơ thẩm có phần nghiêm khắc nên cấp phúc thẩm đã quyết định chấp nhận một phần kháng cáo, giảm một phần hình phạt cho các bị cáo. Trên cơ sở đó, Tòa cấp phúc thẩm đã quyết định tuyên phạt bị cáo Đỗ Duy Châm 3 năm tù, Đỗ Duy Khang 30 tháng tù, 4 bị cáo còn lại lần lượt bị tuyên phạt từ 20 - 24 tháng tù về cùng tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục