Bản Thông điệp quốc gia gây bất ngờ của Tổng thống Philippines Duterte

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte được biết đến với những bài diễn văn lan man và vòng vo thường bị nhồi nhét bằng những lời lẽ bộc phát và những câu nói đùa thiếu tôn kính.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đọc Thông điệp quốc gia trước Quốc hội tại Manila ngày 23/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng inquirer.net đưa tin ngày 23/7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đọc bản Thông điệp quốc gia (SONA) lần thứ 3 của mình, trong đó nội dung được coi là trọng tâm cốt lõi chính là việc ông sẵn sàng phê chuẩn Luật cơ bản Bangsamoro (BBL) mang tính bước ngoặt.

Theo đó, nếu dự luật này được thông qua sẽ cho phép thay thế Vùng tự trị ở khu vực Mindanao Hồi giáo (ARMM) thành lập năm 1989 bằng Vùng Bangsamoro mới ở miền Nam nước này.

Trong khi đó, cuộc tranh giành quyền lực cho vị trí Chủ tịch Hạ viện giữa phát ngôn viên Pantaleon Alvarez và cựu Tổng thống Philippines Macapagal Arroyo, đã làm ảnh hưởng tới việc thông qua dự luật.

Những vấn đề nội bộ bất ngờ cũng đã làm tổn hại đến thông điệp quốc gia của Tổng thống Duterte.

Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất khiến SONA 2018 được nhớ đến như một bài phát biểu gây ngạc nhiên.

Ông Duterte, được biết đến với những bài diễn văn lan man và vòng vo thường bị nhồi nhét bằng những lời lẽ bộc phát và những câu nói đùa thiếu tôn kính, đã rất cô đọng trong bài phát biểu lần này, gần như hạ xuống giới hạn thời gian 35 phút như ông từng cam kết.

[Tổng thống Philippines Duterte ký ban hành luật tự trị Hồi giáo]

Và, sau nhiều tuần đưa ra những phát biểu gây choáng váng phê phán Thượng đế và những người hay phỉ báng ông, Duterte đã thay đổi bằng những lời lẽ kiềm chế hơn.

Không thể hiện sự nóng giận trong lời nói, ngay cả khi ông than trách các nhà hoạt động nhân quyền, các công ty khai thác mỏ, những nhà phát triển đất đai tham lam và cả những kẻ chuyên tích trữ gạo.

Bài phát biểu của ông đã đưa ra những lưu ý đúng đắn trong nhiều vấn đề.

Như một lộ trình chính sách thiết lập trật tự kinh doanh trong chính quyền của ông, bài phát biểu này khá ngắn gọn và đơn giản, đồng thời đưa ra các yêu cầu rõ ràng của ông tới Quốc hội: nhanh chóng thông qua Luật cơ bản Bangsamoro đang bị trì hoãn; ban hành một quy định dứt khoát cấm hợp đồng hóa lao động; thành lập quỹ tín thác nông dân trồng dừa và một bộ phận quản lý thiên tai; soạn thảo một dự luật về sử dụng đất đai quốc gia, và một bộ luật thay thế giúp việc nhập khẩu gạo trở nên dễ dàng hơn.

Tổng thống cũng đã nhắc tới một danh sách những lời hồi đáp mà chính quyền của ông đã đưa ra với những vấn đề được quan tâm hàng đầu, vốn từng được đề cập trong một cuộc điều tra do hãng thăm dò Pulse Asia thực hiện hồi tháng 3/2018, như là tiền lương, giá hàng hóa, nạn nghèo đói, việc làm, tội phạm, tham nhũng, hòa bình, thuế, bảo vệ người lao động Philippines ở nước ngoài, bảo vệ môi trường, kiểm soát dân số, bảo vệ lãnh thổ và chống khủng bố.

Ông cũng cam kết sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe phổ cập và thực hiện chính sách không đặt cọc viện phí.

Điều thú vị là, ông gần như không hề đề cập đến việc thúc đẩy thay đổi Hiến pháp và chế độ liên bang, vấn đề vốn gần đây bị Quốc hội và đội ngũ cấp dưới của Tổng thống làm ầm ĩ.

Tuy nhiên, bài phát biểu cũng đã rút gọn một số vấn đề khác. Đặc biệt, trên 3 mặt trận chính sách lớn vốn đã trở thành các vấn đề then chốt trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Duterte không đưa ra nhượng bộ, và gây bực bội hơn nữa đó là chỉ nói rất ngắn gọn về các chi tiết cụ thể.

Ông kêu gọi Quốc hội thông qua 4 gói cải cách thuế khác nhau.

Về vấn đề Trung Quốc, ông đã giản lược việc đề cập đến chính sách đầy nhượng bộ của chính quyền Manila đối với Bắc Kinh xuống gần như chỉ còn một đoạn ngắn.

Đối với vấn đề trọng tâm là cuộc chiến chống ma túy, ông nói: “Nó sẽ vẫn khốc liệt và gay gắt như ngày đầu” bất chấp việc chính quyền bị lên án vì khiến hàng nghìn người thiệt mạng, cũng như các hành vi lạm dụng chức quyền của giới chức cảnh sát đối với những công dân bình thường.

Nói cách khác, những vấn đề cốt lõi và gây tranh cãi nhất trong giai đoạn cai trị của Duterte, SONA thứ ba đều đã đề cập đến.

Có chăng điều mới mẻ chính là phong cách phát biểu trước công chúng đậm nét Duterte, vốn từ lâu đã bị chỉ trích là không bình thường và không giống phong thái một nhà lãnh đạo đất nước.

Hai bản SONA trước đó của ông là ví dụ minh họa điển hình nhất cho phong cách tự do đó. Lần này, ông gây ngạc nhiên cho công chúng bằng một bài phát biểu điềm tĩnh và khác hẳn ngày thường.

Với sự ngắn gọn, thẳng thắn và kiềm chế - những yếu tố bị thiếu trong các bài phát biểu trước công chúng của Duterte - bản SONA thứ ba này ít nhất đã cho thấy một sự thay đổi đáng hoan nghênh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục