Bàn về triển vọng thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên

Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên tại Hà Nội cho thấy Việt Nam đã khẳng định vai trò trung gian góp phần tích cực, quan trọng vào tiến trình hướng tới nền hòa bình ở bán đảo Triều Tiên.
(Nguồn: Koogle TV)

Hòa bình thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên và hợp tác Hàn Quốc-Mekong là chủ đề chính của Diễn đàn hòa bình Hàn Quốc-Mekong 2019 do Hội đồng Tây Đông Nam Á-Hội đồng tư vấn Thống nhất Hòa bình Dân chủ Hàn Quốc phối hợp với Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á-Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức chiều 10/5, tại Hà Nội.

Tại Diễn đàn, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do-hyun khẳng định thống nhất hòa bình Bán đảo Triều Tiên, tăng cường hợp tác giữa Hàn Quốc với Việt Nam và các quốc gia Tiểu vùng sông Mekong đang trở thành chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới học giả nghiên cứu, cũng như các nhà hoạt động thực tiễn ở Việt Nam và Hàn Quốc.

[Hàn Quốc và Mỹ họp sau các vụ phóng vật thể bay của Triều Tiên]

Hơn 70 năm qua, Bán đảo Triều Tiên thống nhất, hòa bình, thịnh vượng không chỉ là khát vọng cháy bỏng của nhân dân hai miền Nam-Bắc Triều Tiên, mà còn là mong ước chân thành của nhân dân Việt Nam cũng như toàn thể những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Đặc biệt, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27-28/2 cho thấy Việt Nam đã khẳng định vai trò trung gian góp phần tích cực, quan trọng vào tiến trình hướng tới nền hòa bình và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Mặc dù còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết và không ít thách thức, song Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tiến trình đối thoại giữa hai bên, trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến hòa bình và phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội nhấn mạnh tiếp nối những thành quả đã đạt được của Diễn đàn hòa bình Hàn Quốc-Mekong 2019 và các diễn đàn vì hòa bình Hàn Quốc-Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội trong các năm trước, Diễn đàn lần này tập trung thảo luận 2 nội dung chính. Đó là phân tích, đánh giá triển vọng và các nhiệm vụ của việc xây dựng nền hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên; việc tăng cường hợp tác Hàn Quốc-Mekong, nhất là tác động của chính sách hướng Nam mới của Chính phủ Hàn Quốc đối với sự phát triển quan hệ hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng chung giữa Hàn Quốc và Việt Nam, Hàn Quốc và các quốc gia Tiểu vùng sông Mekong trong thời gian tới.

Tiến sỹ Đặng Xuân Thanh hy vọng những nội dung thảo luận tại Diễn đàn sẽ cung cấp những gợi ý tốt cho việc tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Hàn Quốc, cũng như quan hệ hợp tác của Hàn Quốc với Tiểu vùng sông Mekong, góp phần tích cực vào việc xây dựng một nền hòa bình, thịnh vượng bền vững trên Bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Á.

Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến đề cập tới triển vọng và nhiệm vụ thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Nhiều ý kiến quan tâm tới việc tăng cường hợp tác Hàn Quốc-Mekong, nhất là tác động của chính sách hướng Nam mới của Chính phủ Hàn Quốc đối với sự phát triển quan hệ hợp tác vì hòa bình, thịnh vượng chung giữa Hàn Quốc và Việt Nam, Hàn Quốc và các quốc gia Tiểu vùng sông Mekong thời gian tới.

Hầu hết các ý kiến tập trung vào chính sách hướng Nam mới của chính quyền Tổng thống Moon Jae In, các đề xuất hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc và hợp tác Hàn Quốc-Tiểu vùng sông Mekong.

Chính sách hướng Nam mới của chính quyền Moon Jae-in nhấn mạnh hơn tầm quan trọng của khu vực ASEAN và nguyên tắc 3P (People, Prosperity, Peace - Con người, Thịnh vượng, Hòa bình); chú trọng hợp tác kinh tế mang tính tương hỗ giữa Hàn Quốc và các nước ASEAN. Với chính sách hướng Nam mới, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc giờ đây không đơn thuần là quan hệ giữa hai quốc gia mà đã được nâng lên tầm khu vực.

Chia sẻ quan điểm về đổi mới, hội nhập, phát triển kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á đánh giá, hiện Triều Tiên đang nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa; có những bước chuyển đổi chính sách quan trọng, xuất hiện kinh tế hộ gia đình, hộ cá thể.

Triều Tiên cũng quán triệt đổi mới, điều chỉnh về cơ chế chính sách giống với Việt Nam, cụ thể là đổi mới sản xuất trong nông nghiệp (như khoán 10, khoán 100, tức là trao quyền sử dụng đất cho người sản xuất), nhằm vực dậy phát triển nông nghiệp, ổn định cuộc sống của người dân, hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục