Ngày 5/4, một tòa án ở Bangladesh đã cho phép tại ngoại có điều kiện đối với cựu Thủ tướng đồng thời là thủ lĩnh Đảng Dân tộc Bangladesh (BNP) đối lập, bà Khaleda Zia, trong hai vụ án do cơ quan chống tham nhũng nước này khởi tố.
Thẩm phán Abu Ahmed Jomadar thuộc Tòa án Đặc biệt số 3 tại thủ đô Dhaka của Bangladesh đã chấp thuận cho bà Khaleda Zia tại ngoại sau khi bà xuất hiện tại tòa để xin được tại ngoại.
Theo người phát ngôn BNP Shamsuddin Dider, lần đầu tiên trong hơn ba tháng qua bà Khaleda Zia đã rời văn phòng, nơi bà bị quản chế từ đầu tháng Một, để tới tòa án sáng 5/4 trong bối cảnh an ninh được thắt chặt.
Một nguồn tin cho biết bà Zia được tại ngoại với điều kiện ít nhất 2/9 người bị buộc tội tham nhũng phải ra hầu tòa trong phiên xét xử tiếp theo dự kiến vào ngày 5/5.
Trước đó, ngày 25/2, Tòa án Đặc biệt số 3 tại thủ đô Dhaka đã phát lệnh bắt giữ bà Khaleda Zia, đồng thời bác bỏ đề nghị tại ngoại, sau khi bà không có mặt tại phiên xử của tòa. Bà Khaleda Zia cùng con trai cả của bà là Tarique Rahman và bảy người khác bị cáo buộc tham nhũng liên quan đến các quỹ từ thiện.
Ủy ban Chống tham nhũng Bangladesh (ACC) đã đệ đơn kiện vào tháng 7/2008, theo đó cáo buộc bà Khaleda và năm người khác (trong đó có Tarique Raman) đã biển thủ hơn 20 triệu taka (tương đương hơn 253.000 USD) từ một quỹ từ thiện cho trẻ em mồ côi trong nhiệm kỳ 2001-2006 của bà Khaleda.
Năm 2011, ACC tiếp tục kiện bà Khaleda và ba quan chức tham nhũng 31,5 triệu taka (hơn 397.000 USD) từ một quỹ từ thiện khác mang tên chồng bà, cựu Tổng thống Ziaur Rahman.
Bà Khaleda Zia đã bị quản chế tại văn phòng của bà từ đầu tháng Một vừa qua, trong bối cảnh lực lượng đối lập tiến hành đợt biểu tình và đình công, phong tỏa hệ thống giao thông trên toàn quốc, nhằm đòi tổ chức các cuộc bầu cử mới, sau khi BNP và các đảng liên minh tẩy chay cuộc tổng tuyển cử vào ngày 5/1/2014. Đợt bạo lực này đã làm hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương./.