Bangladesh tuần tra ngăn dòng người Rohingya từ Myanmar xâm nhập

Bangladesh đã tăng cường hoạt động tuần tra sau khi có tin khoảng 1.000 người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine miền Tây Bắc Myanmar đã vượt biên vào lãnh thổ nước này trong 2 tuần qua.
Lực lượng binh sỹ Bangladesh tuần tra. (Nguồn: AFP)

Bangladesh đã tăng cường hoạt động tuần tra khu vực biên giới giáp Myanmar sau khi có tin khoảng 1.000 người Hồi giáo Rohingya ở bang Rakhine miền Tây Bắc Myanmar đã vượt biên vào lãnh thổ nước này trong 2 tuần qua.

Phát biểu với hãng tin Reuters, sỹ quan biên phòng cấp cao của Bangladesh, Manuzurul Hasan Khan cho biết không ai được phép vượt biên giới bất hợp pháp vào lãnh thổ Bangladesh.

Ông khẳng định trong thời gian gần đây, không xảy ra vụ xâm nhập lớn nào vào Bangladesh và khu vực biên giới bình an. Các hoạt động tuần tra chung với Myanmar tại khu vực vùng biên dự kiến sẽ được tăng cường trong tuần này.

Tuy nhiên, một quan chức Liên hợp quốc tại Bangladesh cho biết có khoảng 1.000 hộ gia đình người Rohingya đã vượt biên giới vào Bangladesh trong từng tháng 4, 5 và 6 vừa qua. Con số này đã tăng lên 1.300 hộ gia đình trong tháng 7 và dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong tháng 8.

[Ấn Độ cùng Myanmar, Bangladesh trục xuất 40.000 người Rohingya]

Kể từ tháng 10/2016 cho đến trước tháng 4/2017, khoảng 75.000 người Hồi giáo Rohinhya đã chạy trốn sang Bangladesh, gia nhập vào hàng chục nghìn người Rohinhya đã tới đây trước đó.

Hàng chục nghìn người Rohingya đã rời khỏi Myanmar sau khi xảy ra tình trạng bạo lực giáo phái nghiêm trọng tại bang Rakhine giữa người Phật giáo và người Rohingya. Phần lớn đã tới Bangladesh từ đầu những năm 1990, trong đó một số người đã vượt qua biên giới được quản lý lỏng lẻo để đi vào Ấn Độ.

Myanmar không công nhận người Rohingya là một trong các dân tộc thiểu số của nước mình, và gọi họ là người Bengalis - hay người nhập cư bất hợp pháp từ nước Bangladesh láng giềng - dù nhiều người đã sống tại Myanmar qua nhiều thế hệ.

Thời gian qua đã xảy ra tình trạng người Rohingya di cư hàng loạt từ bang Rakhine, sang các nước láng giềng sau khi quân đội nước này phát động các chiến dịch truy tìm các phần tử nổi dậy tấn công các trạm kiểm soát biên giới.

Giới chức Myanmar cáo buộc các tay súng tấn công đó là thành viên lực lượng Tổ chức Thống nhất người Rohingya, một nhóm vũ trang sắc tộc nhỏ Rohingya hoạt động từ những năm 80-90 của thế kỷ trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục