''Bảo bối'' của vùng Vịnh trong cuộc chiến chống COVID-19

Theo nghiên cứu của Viện Virus thuộc trường Đại học Maryland, các “điểm nóng” lây lan dịch COVID-19 như Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản và miền Bắc Italy đều nằm dọc theo vĩ tuyến 30-50 độ Bắc.
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Tehran, Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khu vực Vịnh Arab đang chứng kiến tỷ lệ lây nhiễm tương đối thấp virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) nhờ hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, tăng cường sàng lọc, hạn chế đi lại và phổ biến các thông tin y tế.

Theo một số nghiên cứu, các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) sở hữu một lợi thế so với nhiều khu vực khác trong cuộc chiến chống lại chủng virus nguy hiểm chết người này. Đó chính là khí hậu, yếu tố được coi là "bảo bối" và được dự báo có thể trở thành bước ngoặt giúp hạn chế sự lây nhiễm dịch bệnh tại khu vực này.

Mạng tin Al Arabiya dẫn nghiên cứu mới công bố của trường Đại học Maryland phát hiện ra rằng SARS-CoV-2 lây lan chủ yếu ở phía Đông và phía Tây, thay vì phía Nam và phía Bắc địa cầu, cho thấy khí hậu và vĩ độ có thể là yếu tố tác động mức độ lây lan của virus.

Nói cách khác, các “điểm nóng” của dịch COVID-19 phát tán trong cộng đồng, nơi virus SARS-CoV-2 lây truyền giữa các thành viên của cộng đồng thay vì phát hiện từ những người mang mầm bệnh trở về từ các địa điểm khác.

[Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại các nước châu Phi và Trung Đông]

Phó Giáo sư Mohammad Sajadi, làm việc tại Viện Virus thuộc trường Đại học Maryland, đồng thời là tác giả chính của công trình nghiên cứu nói trên, cho biết dịch COVID-19 sẽ mất nhiều thời gian hơn để lây nhiễm trong cộng đồng có điều kiện thời tiết nóng hơn.

Tuy nhiên, tác động của độ ẩm đối với dịch bệnh này hiện vẫn chưa được làm rõ.

Theo nghiên cứu của Viện Virus thuộc trường Đại học Maryland, các “điểm nóng” lây lan dịch COVID-19 như Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản và miền Bắc Italy đều nằm dọc theo vĩ tuyến 30-50 độ Bắc. Ở những nước này, sự lây lan của virus đã đặc biệt trở nên phổ biến.

Giới chức ở miền Bắc Italy đã quyết định phong tỏa các khu vực để cố gắng hạn chế virus lây lan. Tại vùng Lombardy, tâm dịch COVID-19 ở Italy, nơi ghi nhận hơn 460 người chết và hơn 7.300 trường hợp nhiễm bệnh, 8% những người được chuẩn đoán nhiễm SARS-CoV-2 đã tử vong, một tỷ lệ cao hơn nhiều so với mức tử vong tương ứng 1-2% trên toàn cầu.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện dã chiến ở vùng Lombardy, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, tại Iran, số ca tử vong chính thức do dịch COVID-19 đã vượt qua mốc 400 và có hơn 10.000 trường hợp nhiễm bệnh, mặc dù một số nguồn tin khác tiết lộ con số này cao hơn nhiều.

Đối với các quốc gia thành viên GCC, số ca lây nhiễm trực tiếp tương đối thấp, một phần nhờ cơ sở hạ tầng và quy trình sàng lọc y tế hợp lý. Bên cạnh đó, các nền kinh tế vùng Vịnh cũng đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đóng biên giới và hạn chế đi lại.

Giám đốc Phòng ngừa Khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tiến sỹ Dalia Samhouri nhận định khu vực các nước GCC sở hữu nguồn tài chính và nhân lực đủ mạnh để xử lý các ổ dịch và triển khai các kế hoạch y tế cần thiết.

Một điểm đáng chú ý là các quốc gia GCC nhanh chóng phổ biến các thông tin y tế cộng đồng tới người dân, đồng thời hủy hàng loạt sự kiện tập trung đông người, nhất là khi sự hạn chế sự tương tác xã hội trong thời điểm này là rất quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Theo đánh giá của Tiến sỹ Marie-Louise Van Eck, Giám đốc Y tế khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Công ty dịch vụ y tế và an ninh du lịch International SOS, các hãng tin tức tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã thành công trong việc giải thích tới công chúng những biện pháp phòng ngừa để tránh dịch bệnh lây lan, trong đó giữ gìn vệ sinh công cộng và và nâng cao nhận thức người dân đóng vai trò rất quan trọng.

Trong một nghiên cứu khác có tiêu đề “Phân tích nhiệt độ và vĩ độ để dự đoán mức độ lây lan tiềm ẩn của dịch COVID-19,” khí hậu ấm áp của khu vực vùng Vịnh cũng có thể là một yếu tố góp phần hạn chế những tác động của SARS-CoV-2.

Theo nghiên cứu này, các quốc gia GCC không ghi nhận sự lây lan đáng kể trong cộng đồng, khi hầu hết những trường hợp được phát hiện nhiễm bệnh là từ các khách du lịch và những người đã tiếp xúc gần với người nhiễm SARS-CoV-2. Phần lớn các trường hợp nhiễm bệnh ban đầu ở vùng Vịnh là những du khách trở về từ Iran.

Nghiên cứu chỉ ra rằng virus không lan rộng ra các quốc gia gần gũi về mặt địa lý với Trung Quốc như dự báo trước đó, mà thay vào đó lại bùng phát ở các vùng có khí hậu tương tự.

Do sự gần gũi về địa lý và các kết nối du lịch quan trọng, nghiên cứu dịch tễ học của tâm dịch dự báo rằng khu vực Đông Nam Á, và đặc biệt là thủ đô Bangkok của Thái Lan, có nhiều điểm tương đồng với thành phố Vũ Hán của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cho đến nay, theo tờ Bangkok Post, tỷ lệ lây nhiễm tại Bangkok vẫn ở mức thấp nếu so với nhiều khu vực khác trên thế giới.

Những yếu tố khác ảnh hưởng tới sự lây lan của virus trong cộng đồng bao gồm các hoạt động đi lại, mật độ dân cư, sự thay đổi của hệ thống miễn dịch theo mùa, thay đổi hành vi của con người ở các vùng khí hậu khác nhau, sự khác biệt trong ứng phó y tế cộng đồng, cũng như hệ miễn dịch của con người.

Nhóm tác giả khẳng định kết quả của nghiên cứu không phản ánh nguyên nhân gây ra dịch COVID-19, song có sự tương quan nhất định đối với tình hình hiện tại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục