Báo chí đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước

Phó Thủ tướng nhấn mạnh mặc dù năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn nhưng đất nước Việt Nam đã nỗ lực đi lên, phát triển. Sự thành công ấy có phần đóng góp quan trọng của các cơ quan báo chí cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Ngày 31/12, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Dự hội nghị có các ông: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh mặc dù năm 2020 là năm gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có đại dịch COVID-19, nhưng đất nước Việt Nam đã nỗ lực đi lên, phát triển. Sự thành công ấy có phần đóng góp quan trọng của các cơ quan báo chí trong cả nước.

Phó Thủ tướng đề nghị báo chí tiếp tục áp dụng khoa học-công nghệ mới trong hoạt động để báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Chính phủ mong muốn nhận được sự góp ý nhiều hơn của báo chí, để góp phần xây dựng một Chính phủ hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân tốt hơn.

Chia sẻ với những khó khăn của các cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng cho rằng để các cơ quan báo chí tự chủ được về tài chính thì nhất thiết phải có cơ chế đặt bài, giao nhiệm vụ cho báo chí.

Cũng tại hội nghị, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng yêu cầu các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí tiếp tục nhận thức, quán triệt sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác báo chí với tư cách là thành tố quan trọng trong công tác tuyên giáo của Đảng, là diễn đàn của nhân dân.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của các cơ quan báo chí trong năm 2021 là tập trung đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về Đại hội XIII của Đảng và đưa Nghị quyết của Đại hội vào cuộc sống.

[Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại đáp ứng yêu cầu tình hình mới]

Các cơ quan báo chí, quản lý báo chí cần có quy trình quản lý phóng viên, làm tốt công tác xây dựng Đảng; xây dựng đội ngũ người làm báo chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, biết đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên hàng đầu; tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại và thực hiện tốt việc quy hoạch sắp xếp hệ thống báo chí truyền thông.

Năm 2020 là năm có nhiều dấu ấn quan trọng trong công tác chỉ đạo, quản lý và hoạt động báo chí. Công tác chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí tiếp tục được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.

Việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí được tăng cường, nhất là liên quan đến thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, không phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc, tình trạng “báo hóa” hoạt động như cơ quan báo chí.

Năm 2020, công tác thông tin tuyên truyền đã tập trung trọng tâm vào một số vấn đề lớn như phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường an ninh, quốc phòng; chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; đại hội đảng bộ các cấp, góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền thông tin đối ngoại trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam; phòng, chống đại dịch COVID-19…

Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 cũng đã được triển khai quyết liệt, cơ bản bảo đảm tiến độ. Trong năm 2020, cả nước đã giảm 71 cơ quan báo chí so với năm 2019. Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập.

Các cơ quan báo chí chủ động đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, tính chuyên sâu của các chương trình, tin, bài, đặc biệt là các tuyến tin, bài thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển đảo và các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội….

Nhìn chung, các cơ quan báo chí đã có đổi mới mạnh mẽ trong việc đầu tư, tiếp cận công nghệ làm báo hiện đại để nâng cao chất lượng thông tin. Các cơ quan báo chí thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện tới đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Tặng Bằng khen cho 30 tập thể có thành tích xuất sắc. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Tham luận tại hội nghị, Phó Tổng biên tập Báo Nhân dân Đinh Như Hoan chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền về đại hội đảng bộ các cấp là báo chí phải chủ động trong chỉ đạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện tuyên truyền và các ấn phẩm tuyên truyền theo đặc trưng trên nguyên tắc đúng định hướng chỉ đạo.

Theo nhà báo Nguyễn Thu Hà, đại diện Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan chức năng cần chủ động cung cấp thông tin và phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan báo chí trong việc thực hiện các đợt tuyên truyền; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng tác nghiệp cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên nhằm đảm bảo chất lượng và nâng cao sức ảnh hưởng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng thẳng thắn cho rằng hoạt động báo chí còn bộc lộ một số hạn chế, khuyết điểm như thông tin chưa toàn diện, chưa phản ánh đầy đủ hoạt động đa dạng của xã hội.

Một số cơ quan báo chí vẫn để xảy ra tình trạng thông tin không đúng tôn chỉ-mục đích được quy định trong giấy phép, thông tin thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; nhiều nội dung tin, bài giật tít phản cảm chưa có nhiều chuyển biến; một số thông tin chưa phù hợp với tư tưởng chỉ đạo, định hướng nói chung và nhiệm vụ chính trị của báo chí; vẫn còn tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử.

Ngoài ra, một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, cộng tác viên tại địa phương của các cơ quan báo chí  hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, vượt quá chức năng, nhiệm vụ được giao, có trường hợp vi phạm pháp luật báo chí và đạo đức nghề nghiệp…

Nhân dịp này, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen cho 30 tập thể có thành tích cao trong công tác báo chí năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục