Báo Italy: Chuyến thăm của Chủ tịch nước thúc đẩy các trụ cột hợp tác

Bài viết “Cơ hội Việt Nam của Italy với chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng” nhận định chuyến thăm là cơ hội thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Cộng hòa Italy Sergio Mattarella hội đàm sau lễ đón. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 26/7, nhiều cơ quan báo chí Italy tiếp tục đưa đậm nét về chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến nước này.

Hãng tin Agenzia Nova đăng bài viết “Chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thắt chặt quan hệ song phương," nêu bật chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tới Rome, nơi ông gặp Tổng thống Sergio Mattarella và Thủ tướng Giorgia Meloni, góp phần thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm ký kết quan hệ đối tác chiến lược.

Trong cuộc hội đàm sau lễ đón chính thức, Tổng thống Sergio Mattarella thông báo việc Nghị viện Italy đã phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Tổng thống Mattarella đồng thời lưu ý rằng Italy coi Việt Nam là trụ cột ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và điều này mở ra cơ hội hợp tác ngày càng tăng giữa châu Âu và Việt Nam.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hoan nghênh việc Nghị viện Italy phê chuẩn EVIPA đúng vào ngày Chủ tịch nước thăm cấp nhà nước tới Italy, bày tỏ tin tưởng việc thông qua hiệp định sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư song phương trong thời gian tới.

Hai nhà lãnh đạo đã đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau: từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến quá trình chuyển đổi sinh thái, từ khoa học đến bảo vệ di sản nghệ thuật.

Tiếp đó, báo dẫn phát biểu của Thủ tướng Giorgia Meloni sau cuộc gặp với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, cho biết hai nước đang tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế-thương mại, năng lượng, văn hóa, khoa học và an ninh, trong đó có việc trao đổi Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và một chương trình hợp tác văn hóa.

[Chủ tịch nước: Italy là một đối tác quan trọng của Việt Nam ở châu Âu]

Thủ tướng Giorgia Meloni nhấn mạnh hai nước còn nhiều tiềm năng để mở rộng hợp tác, quyết tâm cùng Việt Nam đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược để cùng vượt qua các thách thức hiện nay của thế giới và khu vực.

Thủ tướng Meloni và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng thảo luận về tác động của cuộc xung đột tại Ukraine trên quy mô khu vực và toàn cầu, bao gồm cả Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là về sự ổn định và an ninh lương thực và năng lượng.

Bài báo kết luận rằng chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Italy rất có ý nghĩa vì đây là chuyến thăm Italy đầu tiên của một vị Chủ tịch nước Việt Nam sau 7 năm.

Hợp tác kinh tế có vị trí quan trọng trong quan hệ song phương. Như Đại sứ Italy tại Việt Nam, Antonio Alessandro nói rằng hai nước sẽ trao đổi và có thể hỗ trợ nhau rất nhiều, bởi Italy là thành viên sáng lập của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời là thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), trong khi Việt Nam là thành viên nổi bật của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và cũng là một trong những nền kinh tế năng động nhất ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Kim ngạch thương mại hai chiều vượt 6,2 tỷ USD trong năm 2022, tăng 11% so với năm 2022, nhờ Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA). Mục tiêu tiếp theo, được đặt ra vào tháng 12/2022, là 7 tỷ USD. Hai nước cũng tăng cường hợp tác khoa học-công nghệ, với các chương trình hợp tác giai đoạn 2021-2023 đã được ký kết và các dự án mới cho giai đoạn 2024-2026 vừa được công bố.

Trong số các lĩnh vực được quan tâm còn có lĩnh vực vũ trụ, ngành công nghiệp Italy có truyền thống hợp tác quốc tế với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Trong khi đó, báo Marx21 đăng bài “Vun đắp quan hệ lâu dài: Ngoại giao nhân dân góp phần thúc đẩy quan hệ Italy-Việt Nam," khẳng định mối quan hệ hữu nghị, truyền thống giữa hai nước không chỉ mới hình thành và phát triển trong nửa thế kỷ vừa qua, mà còn là thành quả tiếp nối của những nỗ lực ươm mầm, vun đắp từ bao thế hệ đi trước, trong sự giao thoa và gặp gỡ để những sợi dây kết nối ngày càng bền chặt, gần gũi hơn giữa nhân dân hai nước.

Bài báo đã điểm lại mối quan hệ Italy-Việt Nam từ đầu những năm 1930 của thế kỷ trước, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến và hoạt động tại nhà hàng Antica Trattoria della Pesa ở trung tâm thành phố Milan, với quyết tâm thực hiện một khát vọng cháy bỏng, là giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Sự cộng tác, che chở của những người đồng chí, bạn bè Italy là nguồn hỗ trợ, cổ vũ quý báu, góp phần tạo nên sức mạnh để Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể tiếp tục hành trình cực kỳ khó khăn nhưng hết sức vĩ đại mà Người đã lựa chọn.

Trong những năm 1960-1970, khi cuộc chiến chống tranh đế quốc Mỹ tại Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt, làn sóng biểu tình, tuần hành phản đối chiến tranh đã diễn ra rầm rộ trên khắp các thành phố, địa phương của Italy. Mặc dù cách xa hàng vạn dặm, “thế hệ Việt Nam” của Italy đã luôn đồng hành, sát cánh với nhân dân Việt Nam trong những năm tháng khó khăn nhất.

Bước sang thập niên 1980, Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới, từng bước mở cửa và hội nhập quốc tế. Hình ảnh Việt Nam vẫn luôn là một phần thân thuộc đối với nhiều người dân Italy. Trong số những người Italy đầu tiên có cơ hội đến Việt Nam, không ít người là các chuyên gia, học giả uy tín như nhà nghiên cứu Pino Tagliazzucchi, hoặc cũng có thể đang là sinh viên, nghiên cứu sinh như bà Sandra Scagliotti, hiện nay là Lãnh sự Danh sự Việt Nam tại Turin.

Sang thế kỷ 21, Việt Nam đã trở thành một trong những điểm đến ưu tiên đối với du khách và cộng đồng doanh nghiệp Italy. Nhiều trường đại học Italy hằng năm đang đón nhận, đào tạo cho số lượng đáng kể sinh viên đến từ Việt Nam. Nhu cầu mở rộng giao lưu, trao đổi giữa nhân dân hai nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho tiếng Italy và tiếng Việt lần lượt được đưa vào đào tạo với tư cách là những ngoại ngữ chính thức.

Sau chặng đường nửa thế kỷ, quan hệ giữa Italy và Việt Nam đã và đang phát triển tích cực, toàn diện và đi vào chiều sâu trên tất cả lĩnh vực. Như khẳng định của Đại sứ Italy tại Việt Nam Antonio Alessandro, ngoài quan hệ ngoại giao giữa hai nhà nước và giữa các tổ chức, giao lưu nhân dân cũng là trụ cột ngoại giao rất quan trọng. Italy là đối tác quan trọng của Việt Nam. Do đó, Italy cũng là một trong những điểm đến được Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng lựa chọn cho chuyến công du chính thức nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức.

Trong khi đó, bài viết “Cơ hội Việt Nam của Italy với chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng” nhận định chuyến thăm là cơ hội thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, dựa trên các động lực kinh tế và địa chính trị toàn cầu mới nhất.

Những con số khẳng định tầm quan trọng của chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Italy. Trong Báo cáo xuất khẩu mới nhất của Sace, Việt Nam được vinh danh là một trong những quốc gia hứa hẹn nhất cho xuất khẩu của Italy. Xuất khẩu được dự báo tăng trưởng ở mức 6,9% trong năm 2022 và 7,7% vào năm 2023.

Italy coi Việt Nam là quốc gia ưu tiên để tập trung phát triển quan hệ tại Đông Nam Á. Tại các diễn đàn đa phương, Italy và Việt Nam thường xuyên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau, góp phần tích cực bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải, hàng không và tôn trọng luật pháp quốc tế. Do đó, trong vài năm tới, Italy có cơ hội vàng để tăng cường quan hệ ngoại giao với Việt Nam, một nền kinh tế năng động và không ngừng phát triển.

Đáng chú ý, Italy và Việt Nam đã xây dựng kế hoạch hợp tác khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2023, với 11 dự án nghiên cứu chung về khoa học nông nghiệp-thực phẩm; công nghệ sinh học, y học; môi trường và biến đổi khí hậu; công nghệ vật liệu mới; vi mạch công nghệ T và 4.0; bảo tồn di sản với mục tiêu thúc đẩy khoa học và công nghệ là một trụ cột hợp tác quan trọng trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Italy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục