Gần 100 người đã bị bắt giữ trong chiến dịch quốc tế với sự phối hợp của các cơ quan chức năng nhiều nước châu Âu và Mỹ nhằm triệt phá mạng lưới tin tặc chuyên đánh cắp thông tin cá nhân để tống tiền trên mạng.
Trao đổi với báo giới ngày 19/5, công tố viên thành phố New York Preet Bharara cho biết các lực lượng thuộc Sở Cảnh sát thành phố phối hợp với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã lục soát gần 400 ngôi nhà, bắt giữ 97 đối tượng liên quan đồng thời thu giữ một lượng lớn tiền mặt, súng đạn, ma túy và hơn 1.000 thiết bị lưu trữ dữ liệu.
Hồi tuần trước, trong khuôn khổ chiến dịch này, lực lượng an ninh Pháp đã bắt giữ 26 đối tượng liên quan.
Hồi tuần trước, trong khuôn khổ chiến dịch này, lực lượng an ninh Pháp đã bắt giữ 26 đối tượng liên quan.
Một công ty bán hàng trên mạng có tên Blackshades đã bán hơn 6.000 phần mềm RAT (Remote Access Tools - công cụ tiếp cận từ xa) cho các tin tặc từ hơn 100 quốc gia trên thế giới với giá chỉ 40 USD, thu về khoản tiền 350.000 USD.
Khi các nạn nhân nhấp chuột vào các đường dẫn (link) lạ, RAT sẽ lập tức tấn công máy tính, đánh cắp các thông tin cá nhân như mật khẩu, tài khoản ngân hàng...; khóa các dữ liệu trong máy rồi gửi tin nhắn tống tiền nạn nhân với nội dung như "Cảnh báo! Máy tính của bạn đã bị tấn công, các tệp dữ liệu của bạn đã bị lập mã và chỉ chúng tôi mới có thể giải mã"...
Với công cụ này, các tin tặc còn có thể theo dõi "nhất cử nhất động" của nạn nhân qua webcam, đồng thời gửi các tin nhắn âm thanh tự động để quấy nhiễu và hăm dọa nạn nhân. Ngoài ra, phần mềm RAT còn có thể đánh sập các website.
Trong hơn 4 năm qua, phần mềm RAT độc hại đã xâm nhập hơn 500.000 máy tính tại châu Âu và Bắc Mỹ.
Ông Bhrara cho biết nhiều đối tượng trong mạng lưới tống tiền trên mạng này hiện đang đối mặt với các cáo buộc pháp lý tại 16 quốc gia, trong đó có Bỉ, Anh, Canada, Chile, Pháp, Đức, Italy, Moldova, Hà Lan và Thụy Sĩ.
Một đối tượng được cho là đã tác giả của phần mềm RAT đã bị bắt ở Moldova và sắp bị dẫn độ về Mỹ. Mức án tối đa cho tội danh phát tán phần mềm độc hại tại Mỹ là 10 năm tù giam.
Giới chức Mỹ khuyến cáo người dân nên cập nhật thường xuyên phần mềm chống virus của máy tính, đồng thời không mở đọc các tin nhắn hoặc tin quảng cáo từ các địa chỉ lạ. Các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra vụ việc./.
(TTXVN/Vietnam+)