Bất ổn ở Hy Lạp, Trung Quốc phủ bóng đen lên thị trường chứng khoán

Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/7, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong tiếp tục "đỏ sàn."
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sắc đỏ tiếp tục thống lĩnh các thị trường chứng khoán châu Á trong phiên giao dịch ngày 8/7, giữa bối cảnh đà lao dốc không phanh trên thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực tới các thị trường khác. Thêm vào đó, việc châu Âu ấn định hạn chót để Hy Lạp đưa ra chi tiết kế hoạch cải cách của nước này khiến kịch bản Athens phải ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trở nên thực tế hơn, tạo sức ép lên thị trường cổ phiếu toàn cầu.

Kết thúc phiên này, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong tiếp tục "đỏ sàn". Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải hạ 219,93 điểm (5,9%), xuống 3.507,19 điểm, sau khi có thời điểm mất hơn 8% vào giữa phiên. Còn chỉ số Hang Seng của Hong Kong cũng "tụt" 1.458,75 điểm (5,84%), xuống 23.516,56 điểm- mức đóng cửa thấp nhất của chỉ số này kể từ đầu tháng Một năm nay.

Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm gần 30% kể từ khi đạt đỉnh vào giữa tháng Sáu, kết thúc chuỗi lên điểm kéo dài tám tháng và đưa đến một loạt các biện pháp hỗ trợ chưa có tiền lệ của Chính phủ nhằm ngăn chặn đà giảm của thị trường, điều gây lo ngại về sự ổn định của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là bởi sự hạn chế giao dịch và những lo ngại về việc các mã cổ phiếu vượt quá giá trị thực. Đà tuột dốc của thị trường chứng khoán khiến số công ty Trung Quốc đã lên sàn muốn dừng giao dịch cổ phiếu đột ngột tăng vọt. China Securities Finance Co., Ltd. (CSF), đơn vị được nhà nước lập ra để quản lý các giao dịch ký quỹ, thông báo sẽ huy động vốn thông qua nhiều kênh và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ đảm bảo việc tiếp cận thanh khoản nhiều hơn để vực dậy thị trường cổ phiếu trong nước.

Hòa theo xu hướng ảm đạm tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, các thị trường chứng khoán khu vực châu Á cũng đua nhau hạ điểm, do hoạt động của nhiều công ty niêm yết có liên quan tới Trung Quốc.

Cũng trong phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm mạnh 638,95 điểm (3,14%), xuống 19.737,64 điểm. Đồng yen lên giá khi giới đầu tư đổ xô tìm đến các tài sản an toàn giữa lúc tình hình khủng hoảng nợ tại Hy Lạp và sự bất ổn của thị trường cổ phiếu Trung Quốc, được cho là một trong những nhân tố chính khiến chỉ số Nikkei giảm điểm. Trong khi đó, tại thị trường Sydney của Australia và Seoul của Hàn Quốc, chỉ số S&P/ASX 200 và Kospi lần lượt mất 11,9 điểm (2,01%) và 24,08 điểm (1,18%), khép phiên ở các mức 5.469,5 điểm và 2.016,21 điểm.

Sau khi các lãnh đạo Eurozone tổ chức một cuộc họp khẩn cấp với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 7/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết bước đi đầu tiên mà chính phủ cánh tả của Hy Lạp cần thực hiện là trình các kế hoạch cải cách chi tiết vào ngày 9/7. Sau đó, tất cả lãnh đạo 28 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) sẽ xem xét các kế hoạch này vào ngày 12/7 tại một hội nghị thượng đỉnh quan trọng - nơi sẽ đưa ra quyết định có nên cứu nền kinh tế “đang hấp hối” của Hy Lạp hay không. Tuy nhiên, hiện các thị trường toàn cầu vẫn đang lao đao do lo ngại rằng Hy Lạp và bộ ba chủ nợ (gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu- ECB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế- IMF) sẽ không tìm được tiếng nói chung, dẫn tới việc nước này bị buộc phải rời khỏi Eurozone - cú sốc lớn không chỉ đối với châu Âu mà còn đối với toàn bộ nền kinh tế thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục