Bắt thủ lĩnh Hồi giáo cực đoan trong vụ tấn công đẫm máu ở Bangladesh

Lực lượng an ninh Bangladesh đã bắt giữ một thủ lĩnh hàng đầu của tổ chức Hồi giáo cực đoan JMB, nhóm bị cáo buộc thực hiện vụ tấn công đẫm máu vào một quán cafe ở thủ đô Dhaka hồi đầu tháng.
Binh sỹ Bangladesh rà soát tại hiện trường vụ tấn công và bắt cóc con tin ở nhà hàng Holey Artisan Bakery ngày 2/7. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 21/7, lực lượng an ninh Bangladesh thông báo đã bắt giữ một thủ lĩnh hàng đầu của tổ chức Hồi giáo cực đoan trong nước "Jamaeytul Mujahdeen Bangladesh" (JMB), nhóm bị cáo buộc thực hiện vụ tấn công đẫm máu vào một quán cafe ở thủ đô Dhaka hồi đầu tháng này khiến 20 con tin thiệt mạng, trong đó có 18 người nước ngoài.

Lực lượng hành động nhanh chống tội phạm của Bangladesh (RAB) đã đột kích một căn hộ trong tòa nhà chung cư ở thị trấn công nghiệp Tongi, phía Bắc thủ đô Dhaka, bắt giữ 4 thành viên của JMB, trong đó có Mahmudul Hasan, một đối tượng cầm đầu tổ chức JMB ở khu vực miền Nam Bangladesh.

Ngoài ra, cảnh sát còn phát hiện bom tự tạo, nguyên liệu chế tạo bom trong căn hộ. Đây là những bằng chứng cho thấy các đối tượng trên đang lên kế hoạch thực hiện một vụ tấn công phá hoại.

Người phát ngôn của RAB Mufti Mahmud Khan cho biết Hasan là thủ lĩnh huấn luyện quân sự hàng đầu của JMB.

Các tay súng do Hasan huấn luyện được cho là thủ phạm sát hại một cảnh sát và thực hiện vụ đánh bom đẫm máu tại một đền thờ của người Shiite ở Dhaka hồi tháng 12/2015.

Hiện, giới chức Bangladesh đang điều tra liệu Hasan và 3 đối tượng bị bắt giữ nói trên có liên quan tới vụ tấn công quán cà phê ở khu ngoại giao đoàn Gulshan khiến 20 con tin thiệt mạng hay không.

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận đứng sau vụ tấn công trên, đồng thời công bố các bức ảnh về vụ tấn công và 5 thủ phạm.

Tuy nhiên, chính quyền Bangladesh đã bác bỏ tuyên bố của IS, cho rằng mạng lưới này chưa hiện diện tại Bangladesh, nước có đông người Hồi giáo thứ ba thế giới, đồng thời cáo buộc JMB là thủ phạm của vụ tấn công.

Bangladesh đã chứng kiến làn sóng tấn công đẫm máu trong ba năm qua.

Chính phủ và cảnh sát cáo buộc các phần tử cực đoan trong nước đã gây ra cái chết của khoảng 80 nhà hoạt động thế tục, người nước ngoài và các cộng đồng thiểu số tôn giáo kể từ năm 2013, trong đó một số vụ IS và một nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda nhận là thủ phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục