Nhiều điểm mới của Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, cũng như các tình huống phát sinh trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã được trao đổi, thảo luận tại Hội nghị do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 22/3.
Hội nghị triển khai Luật tổ chức chính quyền địa phương và nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử tới 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Đảm bảo số dư
Theo bà Phạm Thu Hương, Phó trưởng Ban Dân chủ pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kết quả hiệp thương lần hai sơ bộ cho thấy chất lượng đại biểu khối Trung ương rất cao, nâng lên một bước. So với số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở địa phương là 302 người, hiện số dư đạt 3,14 lần, cao hơn so với nhiệm kỳ khóa XIII (2,85 lần).
Tổng của Trung ương và địa phương hiện đạt số dư là 2,29 lần, các tỷ lệ khác về nữ và các cơ cấu khác đều đảm bảo. Năm nay số lượng người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân tăng, nhất là ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp xã. Đây là tín hiệu đáng mừng vì không khí dân chủ đã thấm đẫm vào các tầng lớp nhân dân, nhân dân có ý thức và trách nhiệm đối với xã hội hơn.
Nhiều địa phương còn lúng túng
Cũng theo bà Phạm Thu Hương, Luật bầu cử quy định sửa đổi cơ bản về vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc dự kiến giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương và địa phương.
Thường trực Hội đồng Nhân dân dự kiến giới thiệu số lượng ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp ở địa phương. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng.
Qua hiệp thương lần một, một số tỉnh không làm đúng hướng dẫn, không dự kiến được số dư. Sau hiệp thương lần hai, điều đáng băn khoăn lo ngại là có không ít tỉnh để số dư không an toàn. Một số địa phương có 2 đơn vị bầu cử, bầu 6 đại biểu, quy định của Luật là phải có số dư tối thiểu mỗi đơn vị bầu cử 2 người nhưng từ hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đến hiệp thương lần hai vẫn chỉ có 10 người chia cho 2 đơn vị bầu cử.
Nếu quá trình này có vấn đề phát sinh liên quan đến khiếu nại, tố cáo, các vụ việc xác minh do cử tri nêu, không may phải rút số đại biểu đi sẽ không đảm bảo số dư theo quy định của Luật.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng còn có cách hiểu khác nhau trong cùng một quy định của Luật, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức cũng chưa được tốt. Việc giới thiệu người ở thôn, tổ dân phố ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân xã hiện mắc rất nhiều vấn đề như thôn giới thiệu không đủ người theo phân bổ, hoặc giới thiệu vượt quá so với số lượng được phân bổ, hoặc không trúng dự kiến ban đầu của Ban công tác Mặt trận nhưng các huyện không phát hiện kịp thời, để khi sang hiệp thương lần hai mới biết.
Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh không giữ thêm chức vụ Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ công tác cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương cho hay giai đoạn vừa qua nổi lên vấn đề mới đó là chuẩn bị cho chức danh Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh nhiệm kỳ tới.
Theo kết luận của Bộ Chính trị, trong nhiệm kỳ tới, người đứng đầu các địa phương nếu đã giữ 2 chức vụ, không nên giữ thêm chức vụ thứ ba để đảm bảo công tác điều hành, có sự phân công hợp lý trong các lãnh đạo địa phương.
Ví dụ, đã là Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh không nên giữ thêm chức vụ thứ ba là Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, vì cùng một lúc tham gia nhiều chức vụ sẽ ảnh hưởng đến thời gian công tác, chỉ đạo điều hành nói chung.
Những nội dung trên Bộ Chính trị đã chỉ đạo rốt ráo, đến nay về cơ bản đã thực hiện được. Tuy nhiên, việc xáo trộn chức danh này sẽ dẫn đến việc xáo trộn một số chức danh khác chủ chốt trong địa phương.
Có vị thôi chức vụ Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, làm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, như vậy sẽ phải chuẩn bị nhân sự cho một đồng chí khác tham gia vào lãnh đạo Hội đồng Nhân dân… Xáo trộn này trên thực tế đã xảy ra, Ban Tổ chức Trung ương đang hỗ trợ giải quyết và về cơ bản đã giải quyết được, chỉ còn lại 2 tỉnh.
Nhiều điểm mới trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Nói về những điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Vụ trưởng Vụ chính quyền địa phương thuộc Bộ Nội vụ Phan Văn Hùng cho biết Luật được Quốc hội thông qua năm 2015, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016.
Luật với 8 Chương, 143 Điều đã quy định những vấn đề cơ bản nhất của tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, phân biệt rõ các loại hình chính quyền địa phương: nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Luật phân định thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương, các cấp có thẩm quyền của địa phương.
Nguyên tắc cơ bản và cốt lõi của Luật là bảo đảm thống nhất về thể chế, phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương, kết hợp chặt chẽ quản lý theo ngành và quản lý lãnh thổ. Luật cũng quy định cụ thể chính quyền địa phương được bảo đảm nguồn lực để thực hiện phân cấp, phân quyền.
Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương, tập trung thẩm quyền cho tỉnh, sau đó xuống cấp huyện và giảm xuống cấp xã, khắc phục bất cập của Luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân là quy định nhiệm vụ, quyền hạn cho cấp huyện, xã quá lớn, không phù hợp với thực tiễn, đôi khi mang tính hình thức, không thực hiện được.
Theo ông Phan Văn Hùng, hồn cốt của Luật tổ chức chính quyền địa phương là quy định cơ cấu về tổ chức và hoạt động của Hội đồng Nhân dân, cơ cấu được mở rộng về số lượng, nhiệm vụ quyền hạn được tăng thêm, thể chế được quan điểm đổi mới của Đảng như Hội đồng Nhân dân thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập thêm Ban đô thị, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện (số lượng là 2) và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân cấp xã (số lượng là 1) hoạt động chuyên trách; Trưởng các Ban của Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, huyện có thể hoạt động chuyên trách…
Nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình bầu cử cũng đã được lãnh đạo Bộ Nội vụ và đại diện các cơ quan trả lời tại hội nghị./.