Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, một trong những báo điện tử hàng đầu của Nga “Mùa xuân nước Nga” (Rusvesna) ngày 26/5 đã đăng bài bình luận nêu bật những kết quả tích cực của cuộc bầu cử Quốc hội hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại Việt Nam, đồng thời đánh giá cao vai trò của Quốc hội Việt Nam trong đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga.
Với tiêu đề “Bầu cử tại Việt Nam giúp tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Nga,” bài viết đã dành thời lượng đáng kể điểm lại lịch sử phát triển của Quốc hội Việt Nam kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên trên cả nước năm 1946 cho đến việc thông qua Hiến pháp mới năm 1992, đồng thời đưa ra những “con số biết nói” về thành phần ứng cử viên, tỷ lệ cử tri đi bầu, các biện pháp đảm bảo an toàn cho cử tri…, qua đó khẳng định thành công của cuộc bầu cử vừa diễn ra tại Việt Nam.
Tác giả bài viết nhấn mạnh Quốc hội khóa XIV đã làm được rất nhiều trong việc đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Cụ thể, trong nhiệm kỳ 05 năm vừa qua của Quốc hội, đã có ba hiệp định về thiết lập khu vực thương mại tự do đa phương được ký kết, gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Ngoài ra, hai hiệp định tự do thương mại song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) cũng như giữa ASEAN và Hong Kong (AHKFTA) đã được ký kết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
[Dư luận quốc tế đánh giá cao công tác tổ chức bầu cử ở Việt Nam]
Theo bài viết, tất cả những hiệp định này tác động tích cực đến tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, mang lại cho đất nước nhiều lợi ích, vì hầu hết các ngành công nghiệp của Việt Nam đều hướng đến xuất khẩu.
Tác giả tin tưởng rằng điều này cũng sẽ góp phần làm gia tăng phúc lợi cho người dân Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Quốc hội khóa XV cùng với Đảng và Chính phủ sẽ tiếp tục công việc này nhằm thực hiện các nhiệm vụ do Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra, đặc biệt là đưa đất nước trở thành một nền kinh tế phát triển vào giữa thế kỷ này.
Đánh giá về quan hệ hợp tác song phương Việt-Nga, tác giả cho biết hàng năm các cuộc họp của đại diện Quốc hội Nga và Quốc hội Việt Nam diễn ra ở nhiều cấp khác nhau, trong đó sự kiện mang tính bước ngoặt là việc nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin ký thỏa thuận thành lập Ủy ban liên nghị viện cấp cao vào cuối năm 2018 tại Hà Nội.
Một năm sau, trong khuôn khổ chuyến thăm Nga, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định nghị viện hai nước "có quan điểm tương đồng về các vấn đề quốc tế" và hai nước "ủng hộ lẫn nhau trên trường quốc tế, đặc biệt là tại Liên hợp quốc.”
Nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Việt Nam nhấn mạnh quan hệ hợp tác liên nghị viện giữa Hà Nội và Moskva là "một thành phần quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước chúng ta."
Tác giả khẳng định Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác với Liên bang Nga.
Thời gian gần đây, đại dịch COVID-19 khiến việc tiếp xúc, liên lạc trực tiếp giữa quốc hội hai nước gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, tác giả tin tưởng rằng sau cuộc bầu cử Quốc hội hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại Việt Nam, cũng như cuộc bầu cử Duma Quốc gia vào mùa Thu tới, khi thành phần Hạ viện Nga được đổi mới, song song với việc dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế trong mùa dịch, có thể hy vọng sự phối hợp giữa quốc hội hai nước sẽ được tăng cường hơn nữa và đối thoại trực tiếp theo kênh liên nghị viện sẽ được nối lại vì sự phát triển của mối quan hệ song phương./.