Bầu cử Tổng thống Kazakhstan trước hạn - Trắc nghiệm niềm tin

Bầu cử tổng thống trước thời hạn được xem như cuộc trắc nghiệm niềm tin của người dân Kazakstan đối với chính sách đối nội, đối ngoại, mô hình kinh tế-xã hội đã được ông Nazarbayev lựa chọn.
Hình ông Nursultan Nazarbayev trên một ápphích tuyên truyền cho cuộc bầu cử ở Kazakstan. (Nguồn: Reuters)

Ngày 26/4, gần 10 triệu cử tri Kazakhstan sẽ đi bỏ phiếu bầu tổng thống mới.

Cuộc bầu cử Tổng thống Kazakhstan trước thời hạn lần này diễn ra trong bối cảnh quốc gia giàu có, ổn định bậc nhất vùng Trung Á này đang cần một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, đủ tâm và đủ tầm để "chèo lái" đất nước vượt qua được những khó khăn, thách thức mang tính thời đại, hướng tới mục tiêu gia nhập nhóm 30 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới.

Giới phân tích chính trị cho rằng hiện không có ứng cử viên nào đủ khả năng "qua mặt" được đương kim Tổng thống Nursultan Nazarbayev - người nắm quyền lãnh đạo đất nước 17 triệu dân này từ năm 1989 đến nay, để tạo nên một cuộc "sao đổi ngôi" đầy ngoạn mục. Vì thế, bầu cử tổng thống trước thời hạn lần này được xem như cuộc trắc nghiệm niềm tin của người dân Kazakstan đối với chính sách đối nội, đối ngoại, mô hình kinh tế và xã hội đã được ông Nazarbayev lựa chọn.

Mặc dù có tới 27 người nộp đơn đăng ký tham gia chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống Kazakhstan, tuy nhiên Ủy ban Bầu cử trung ương chỉ chấp thuận ba người đủ điều kiện trở thành ứng cử viên chính thức gồm đương kim Tổng thống Nazarbayev được đảng Nur Otan cầm quyền đề cử, Bí thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Nhân dân Kazakhstan (KNPK) Turgun Syzdykov và Chủ tịch Liên minh công đoàn Abelgazi Kussainov tự ứng cử.

Theo luật bầu cử của Kazakhstan, một ứng viên phải nhận được hơn 50% phiếu bầu ngay từ vòng một mới giành chiến thắng, nếu không hai ứng viên dẫn đầu sẽ phải bước vào vòng 2.

Quốc hội Kazakhstan đã đề xuất tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn lần này với lý do "trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức người dân Kazakhstan cần thể hiện sự tin tưởng đối với Tổng thống Nazarbayev để nước này không bị chệch hướng chính sách chiến lược và tiếp tục con đường hiện đại hóa đất nước trên quy mô lớn hướng đến mục tiêu trở thành một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới..."

Thế nhưng, giới phân tích nhận định giới tinh hoa chính trị Kazakhstan đang lo ngại trong thời gian tới, nước này có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do bị tác động từ những yếu tố bên ngoài như sự đối đầu ngày càng căng thẳng giữa Nga và phương Tây, cuộc nội chiến tại Ukraine, sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan... nên quyết định sử dụng chiến thuật cũ mà họ đã từng sử dụng khá thành công trước đây.

Năm 2011, khi Kazakhstan đang chuẩn bị đối phó với hậu quả khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, đảng cầm quyền Nur Otan và Quốc hội đưa ra sáng kiến tiến hành cuộc trưng cầu ý dân kéo dài nhiệm kỳ của Tổng thống Nazarbayev đến năm 2020 và thu thập được hơn 2,5 triệu chữ ký ủng hộ, song cuối cùng lãnh đạo Kazakhstan lựa chọn tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn. Nhờ đó, Kazakhstan giữ được ổn định chính trị xã hội và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao bất chấp nền kinh tế thế giới lao đao vì khủng hoảng.

Việc sử dụng chiến thuật cũ trong bối cảnh mới Kazakhstan hy vọng nước này cũng sẽ vượt qua được mọi khó khăn thách thức đang chờ đón phía trước.

Đánh giá về cuộc bầu cử hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng cũng giống như bốn cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức kể từ khi Kazakhstan tuyên bố độc lập năm 1991, ông Nazarbayev sẽ có một "cuộc đua" không đối thủ và giành chiến thắng áp đảo để tiếp tục giữ cương vị nguyên thủ quốc gia Trung Á giàu tài nguyên này thêm một nhiệm kỳ năm năm nữa.

Lý giải "bí quyết" cầm quyền thành công, ông Nurlan Yermekbayev, Chủ tịch Ủy ban Giám sát bầu cử Tổng thống Kazakhstan trước thời hạn nhấn mạnh: “Mọi người nên hiểu rõ vai trò tối quan trọng của ông Nazarbayev trong xã hội Kazakhstan. Ông ấy là Tổng thống đầu tiên và duy nhất của Kazakhstan. Không chỉ vậy, uy tín ngày càng cao của Tổng thống Nazarbayev trên trường quốc tế cũng không thể phủ nhận. Đó là lợi thế giúp ông vượt qua mọi đối thủ trong cuộc bầu cử.”

Lập luận trên đầy sức thuyết phục bởi sau hơn 20 năm dưới sự "chèo lái" của vị "thuyền trưởng" Nazarbayev, Kazakhstan đã trở thành một quốc gia giàu có, thịnh vượng và ổn định nhất khu vực Trung Á.

Năm 2014, bất chấp nền kinh tế thế giới phục hồi chậm chạp, giá dầu mỏ và khoảng sản giảm mạnh nhưng kinh tế Kazakhstan vẫn đạt được mức tăng trưởng 4,3%, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo đầu người đạt 14.600 USD, tăng mạnh so với con số 7.000 USD năm 1997 và dự kiến sẽ lên tới 24.000 USD vào năm 2018.

Trong khi đó, nhờ đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm cải thiện môi trường đầu tư và tạo việc làm nên tỷ lệ thất nghiệp hiện chỉ còn 5%, thấp hơn nhiều so với con số 11% của năm 1995.

Không chỉ thu nhập thực tế của người dân tăng mạnh mà tiềm lực tài chính quốc gia cũng được lãnh đạo Kazakhstan chú trọng củng cố khi tích trữ được 102,5 tỷ USD tính đến cuối năm 2014.

Để có được thành tựu như ngày nay thì rõ ràng những chính sách đối nội, mô hình phát triển kinh tế, xã hội, đặc bệt là chính sách đối ngoại được thực thi dưới thời ông Nazarbayev phát huy rất hiệu quả. Kazakhstan không chỉ trở thành đối tác chiến lược của Nga trong vực và trên quốc tế mà còn tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, trong khi vẫn "biến" phương Tây trở thành đối tác thương mại hàng đầu của mình.

Với những gì đã làm được cho Kazakhstan trong suốt hơn 2 thập kỷ cầm quyền thì sẽ không có gì ngạc nhiên khi người dân quốc gia ổn định và thịnh vượng bậc nhất Trung Á này tiếp tục trao trọn niềm tin cho ông Nazarbayev. Vì thế, khả năng Tổng thống Nazarbayev tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 5 liên tiếp khó có thể bị đảo ngược./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục